Ngôn luận của người xưa không phải lúc nào cũng đúng. Giả như người xưa coi việc không sinh được con cái là một trong số những tội bất hiếu. Giả như người xưa cho nam giới cái quyền tam thê tứ thiếp, ép buộc người phụ nữ phải sống như một hạng tiểu nhân thấp cổ bé họng, không có quyền định đoạt cuộc đời. Thế là họ đâu được tự do bày tỏ nguyện vọng cá nhân, có đâu được “cãi” lấy cái lý cho mình. Giả như xã hội bị phân tầng, con người bình dân cũng có năm bảy loại, nhưng cao nhất là vua chúa, rồi đến quý tộc, quan lại. Càng phân tầng, cái luật giao tiếp càng khắt khe, lỡ sảy phạm húy hoặc lỡ nói câu phật lòng những kẻ chuyên chế, là tính mạng liền treo ngoài sân rồng hoặc ngoài pháp trường. Nhưng sở dĩ các bậc phát ngôn ấy được gọi là thánh hiền, là bởi ngoài những tư tưởng chuyên quyền mà họ gieo rắc, họ vẫn là đại diện cho sự thấu đạt, vì trong các vấn đề xã hội, họ đã khai thác sâu xa cái cốt lõi có giá trị lưu truyền. Đạo lý cây cao đón gió, thẳng quá dễ gãy chưa bao giờ là sai, vì thế mà người ta sinh ra cái khéo miệng trong giao tiếp. Khéo miệng không phải là khéo nịnh, nịnh nọt chỉ là tâng bốc bằng giả ngôn. Nghệ thuật cho sự khéo ấy, từ ngày xưa các bậc thánh nhân hiền triết đã để lại những câu danh ngôn rất rõ ràng. Lấy ngôn trị ngôn, WeStudy sẽ giới thiệu với bạn 9 phương châm quan trọng để nắm bắt tốt nghệ thuật giao tiếp. Cùng ghi lại nhé!

1. Đại trí nhược ngu

Người thông minh không phải người thích khoe mẽ sự hiểu biết của mình, mà là người biết bày tỏ sự thông tuệ của bản thân đúng lúc. Trong cuộc trò chuyện cùng Khổng Tử, Lão Tử đã nói rằng: “Lương giả thâm tàng nhược hư, quân tử mãnh đức dung mạo nhược ngu”. Ý tứ câu này cũng như Đại trí nhược ngu vậy: Bậc đại trí có vẻ ngoài giống như kẻ ngốc. 

Châm ngôn này không chỉ bạn phải che giấu bản thân, không sống thật với chính mình mà nhắc bạn phải biết lấy cái khờ khạo để dung hòa với trí khôn của người khác. 

Trong một tập thể, giữa những người có cùng khả năng tư duy mạnh mẽ, cái tôi cao, thì không bao giờ có thể đi tới ý kiến thống nhất cuối cùng. Ví dụ, khi bạn và đồng nghiệp có những quan điểm khác nhau trong phương án triển khai, nếu cả hai người đều cố gắng phô tài và “bắt” đối phương phải nghe theo mình thì cuộc thảo luận sẽ đi vào bế tắc. Ngược lại, nếu bạn nhẫn mình xuống, ngay từ khi bắt đầu không vội vã phô mình, tính toán cẩn thận những góc độ thiếu sót và bổ sung nó thì cả hai bên sẽ đều thấy hài lòng. Vậy, bổ sung như thế nào? Sự bổ sung này có nguyên tắc nhất định, đó là biết mà như không biết - tức là giả hồ đồ vậy. 

Xem thêm: Nghệ thuật đối thoại của Socrates: "Tôi biết rằng tôi không biết gì cả".

Dựa theo nguyên tắc này, bạn không nên chỉ trích thẳng mặt những lỗi sai của đối phương. Thay vào đó, bạn cần dẫn dắt họ thông qua mê cung câu hỏi. Mê cung câu hỏi này có liên kết với nhau, hoặc theo dạng Domino, hoặc theo dạng phản biện vấn đề,... Hãy chọn lấy dạng câu hỏi phù hợp với người và vấn đề giao tiếp, sau đó hỏi để họ có cơ hội trả lời và phát hiện lỗ hổng của bản thân. Khi họ ngộ ra cái chưa đầy đủ đó, bạn mới bắt đầu bồi thêm vào, chắc chắn, họ sẵn lòng và vui mừng hơn với cách góp ý này của bạn. 

2. Điềm đạm vi thượng

Nghệ thuật này xuất phát từ một câu nói của Lão Tử: “Điềm đạm vi thượng, thắng nhi bất mỹ” (Tức là điềm đạm tức thắng, thắng rồi không kiêu ý). 

Khi Đức Phật bắt đầu giảng giải đạo lý Phật pháp, ngoài các thế nhân tin mến, vẫn có những người tỏ lòng ghét bỏ. Trong số đó, có một người thường hay đến trước Đức Phật sỉ nhục, mắng nhiếc ngài. Ngài không để tâm đến người đó, vẫn giữ thái độ ôn hòa, chú tâm cho việc độ thế của mình. Một thời gian sau, khi người đó đã mệt mỏi đến không mắng được nữa. Ngài chỉ mỉm cười và hỏi: “Nếu thí chủ tặng cho người khác một món quà, người đó không nhận thì món quà thuộc về ai?”. “Đương nhiên là vẫn thuộc về ta” - người kia đáp. 

Đức Phật liền nói tiếp: “Đúng vậy, thí chủ không ngừng mắng nhiếc ta, nhưng nếu ta không nhận, thì nó vẫn sẽ ở đó thôi”.

 Free vector gradient makha bucha day illustration

Đây chính là một ví dụ rõ nét cho việc điềm tĩnh chế nhân. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta không khi nào có thể tránh khỏi sự phán xét, chỉ trích. Bởi vì khi con người khi sinh ra, giống như một mầm cây, khi cây lớn, không phải lúc nào cũng xanh tốt trĩu quả, thân cây không phải lúc nào cũng thẳng tắp. Không sinh thể nào trong vũ trụ này có thể đạt tới sự hoàn hảo tuyệt đối. Khi ta thừa nhận phần khuyết của mình, những chỉ trích phán xét không còn là gánh nặng cho tâm hồn ta nữa.

Xem thêm: Khi đối mặt với chỉ trích cũng là một nghệ thuật sống

Vì thế, nếu một người phán xét bạn, cứ thản nhiên đón nhận nó. Nếu bạn thấy họ nói đúng, bạn có thể cảm ơn và sửa đổi. Nếu bạn thấy nó là những lời bịa đặt, cũng không cần mất thời gian cho nó làm gì. Tức giận giống như những cây đinh ghim, bạn càng dành nhiều thời gian cự cãi, giải thích, vết đinh càng hằn thêm xuống. Khi một người chất vấn bạn, họ chỉ đang cố thỏa mãn những cảm xúc nông nổi bên trong mình. Vậy nên, lửa gặp lửa càng lan rộng, cuộc đối thoại chẳng mấy chốc biến thành chuyện cãi nhau nếu bạn không thể kiểm soát tính xốc nổi của bản thân. Ngọa Long tiên sinh hàng ngàn năm trước đã nói một câu rất tâm đắc: Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn. Tức giận đánh mất mình, tức giận không nghĩ được gì sáng suốt. 

3. Tích thủy xuyên thạch

Bản dịch nghĩa của câu nói này là “Nước chảy đá mòn”. Thế nào là nghệ thuật “nước chảy đá mòn” trong giao tiếp?

Để nắm giữ được trái tim của khách hàng, bạn sẽ cần dùng đến nghệ thuật “nước chảy đá mòn”. Trong thời đại hiện nay, sự cạnh tranh giữa các thương hiệu vô cùng mạnh mẽ. Có thể khách hàng đã nhắm đến thương hiệu của bạn rồi, nhưng thương hiệu khác với lời mời chào hấp dẫn hơn, dịch vụ chăm sóc khách hàng tuyệt vời hơn, đối thoại công chúng ấn tượng hơn, bạn vẫn sẽ dễ dàng bị nẫng tay trên. 

Để thu hút khách hàng và giữ chân khách hàng, quá trình đối thoại phải được xây dựng và biến đổi linh hoạt ngay từ khâu tiếp cận đến khâu hậu đãi. 

Một vị khách ghé đến và đặt phòng khách sạn. Sáng hôm sau tỉnh dậy, anh ta bất ngờ khi phục vụ phòng tiến đến, gọi tên anh và hỏi anh có muốn dùng bữa sáng không. Đúng thế, không phải là quý ngài, hay ngài, mà là ngài XX. Sau đó anh được biết, các nhân viên của khách sạn luôn được yêu cầu nhớ tên các vị khách. 

Bất ngờ chưa dừng ở đó, khi anh xuống đến phòng ăn, người dẫn đường cũng chào anh một cách thân thiết. Sau đó người phục vụ bàn đã tiến đến hỏi anh về việc anh có muốn ngồi chỗ cũ và gọi những món ăn cũ không - dù anh chỉ ở khách sạn này 1 lần trước đó. 

Ở đây, khách sạn đã dùng nghệ thuật “nước chảy”, mỗi một cá nhân trong khách sạn đều là mắt xích của con nước, có vai trò giao tiếp và truyền đạt tinh thần của khách sạn đến khách hàng. 

Cần lưu ý đến chữ “nước” trong nghệ thuật này, tức là phải đảm bảo tính uyển chuyển - thái độ nhẹ nhàng - ứng biến linh hoạt - kiên nhẫn đối đãi. 

Free vector waterfall with dark stormy clouds

Đặc biệt, trong đối thoại với con trẻ, cần áp dụng nguyên tắc trên. Bởi vì trái tim con trẻ nhỏ bé, nhạy cảm biết bao nhiêu. Trái tim ấy trong quá trình trưởng thành với một tâm thái tò mò với thế giới này, nếu vội vàng bị từ chối, bị mạnh mẽ ép buộc vào những khuôn khổ cứng nhắc, thì sẽ chỉ toàn vết thương. Cách giáo dục đó chẳng khác nào tự tay cắt đứt mong ước đối thoại của trẻ với người lớn. Muốn đá bớt đi sắc cạnh, thì nước phải khoan hòa. Muốn đá hiện ra lung linh, thì nước phải trong veo. Trong giao tiếp, nếu lấy thực lòng, dụng tâm để làm, thì nhất định sẽ có kết quả tốt. 

4. Nhất nặc thiên kim

Người Trung Quốc xưa có câu: Một lời nói ra ngựa giỏi đuổi không kịp. Một câu nói đã thốt ra, dù thông qua bất cứ hình thức phương tiện nào, thì nó cũng có sức truyền đi mạnh mẽ. 

Những phát ngôn của người nổi tiếng, chỉ trong một ngày đã tới được mọi nơi trên thế giới. 

Những lời thề thốt hứa hẹn của tổng thống nước này, của thủ tướng nước kia, không bao giờ có thể xóa khỏi bộ nhớ truyền thông. 

Hay đơn giản hơn, một câu ta nói với một người, người khác cũng có thể nghe thấy và sớm muộn nó cũng truyền lan đến không gian xung quanh ta. 

Chính vì thế, ngôn ngữ là vàng, lời nói là đắt giá. Trong giao tiếp, bất cứ lời nói nào của bạn có tính đảm bảo với người khác, thì không bao giờ bạn được coi đó là lời bông đùa. 

Free vector young women giving high five

Các bậc phụ huynh thường có thói quen hứa với con rằng, nếu con ngoan ngoãn, hoặc nếu con thi được điểm này điểm nọ thì sẽ dẫn con đi chơi. Sau đó, khi đứa trẻ đã đáp ứng yêu cầu, thì cha mẹ lại viện cớ bận rộn mà quên bẵng đi. Thật không may, trẻ con nhớ những chuyện này rất lâu. Trong tâm trí chúng, cha mẹ nói mà không giữ lời. Thói quen xấu này có thể tiêm nhiễm vào con trẻ, khiến chúng nghĩ không giữ lời hứa cũng không sao. 

Những học sinh “hư” thường bị gọi viết kiểm điểm, đọc kiểm điểm, lần nào cũng hứa “Lần sau con hứa không tái phạm”... Nhưng rồi, chúng vẫn phạm lại lỗi lầm ấy. Đó là bởi chúng không được giáo dục về tính chất quan trọng và tinh thần trách nhiệm. 

Ngôn từ là một không gian phong phú, quyền con người có bao gồm cả quyền tự do ngôn luận. Do đó, khi giao tiếp, người ta nói những gì mình thích, dùng những từ mình muốn. Do đó, ranh giới của bất lương, thất tín và nhân cách cao đẹp nằm ở chỗ lời nói có trở thành hiện thực hay không. Khi đánh giá một người, đừng chỉ nghe người ta nói, hãy nhìn người ta làm. Bạn có thể dễ dàng bị lay động bởi những câu nói véo von hay ho, những viễn cảnh tương lai. Nhưng, đừng vội tin chúng, bạn cần biết họ có làm được hay nỗ lực cho những điều họ nói hay không. Bất kể là tình yêu, công việc, hay tình bạn, con người họ sẽ hiện ra trên những gì họ nói và tình hình thực tế của họ.