Phương pháp Socrates: Chúng ta truy vấn lẫn nhau
Socrates đã từng nói rằng: “Tôi biết bạn không tin tôi, nhưng hình thức cao nhất của con người xuất sắc là tự vấn bản thân và những người khác”. Chính vì thế, những cuộc đối thoại theo kiểu Socrates cũng diễn ra dưới hình thức truy vấn đó. Thay vì trực tiếp đưa ra một khẳng định, đối thoại kiểu Socrates bắt đầu với những sự phủ định lẫn nhau.
Quy trình truy vấn Socrates sẽ diễn ra như sau:
- Đặt ra câu hỏi (mang tính chất khơi mở vấn đề, đó có thể là một câu hỏi chứa vấn đề cần khai thác, một câu phủ nhận chân lý…)
- Tìm ra câu trả lời phù hợp (người trả lời hoặc đồng tình, hoặc phủ nhận, hoặc bổ sung để luận điểm đó được đầy đủ)
- Đặt ra câu hỏi lần 2 (người đặt câu hỏi thường giữ vai trò “thông thái”, việc tham gia đối thoại lần 2 là để khai thác những thiếu sót trong câu trả lời trước, nhằm định hướng đến khoảng trống kiến thức cần được lấp đầy. Ở đây, người hỏi có thể yêu cầu bổ sung về khía cạnh nào đó, phản biện lại câu trả lời, đưa ra nghi vấn và yêu cầu bằng chứng, yêu cầu giải pháp,...)
- Người được hỏi tiếp tục đưa ra quan điểm của mình cho câu hỏi.
Quá trình này lặp lại tiếp tục 3-4 lần, cho đến khi người được hỏi rơi vào trạng thái bối rối vì bế tắc kiến thức, hoang mang với những vấn đề bản thân đặt ra, hoặc nghi ngờ tính xác thực của các giả thuyết,... Lúc này, người hỏi sẽ thể hiện sự “thông thái” của bản thân khi giải quyết những câu hỏi câu trả lời trước đó bằng sự tổng hợp nội dung toàn diện của chúng, đưa ra đáp án cuối cùng để khẳng định chân lý.
Ví dụ, trong hoạt động giáo dục, giáo viên sẽ giữ vai trò người hỏi nhưng không để lộ sự “thông thái”, tiếp cận học sinh bằng những nghi vấn, phản biện khơi gợi để học sinh nghiên cứu, đưa ra câu trả lời của bản thân. Cho đến khi học sinh không thể đưa ra một lập luận chắc chắn, tức là lỗ hổng kiến thức đã xuất hiện, giáo viên sẽ đứng ra bù lấp vào khoảng trống đó và học sinh cũng tin tuyệt đối vì đã có những ví dụ trước đó bổ sung vào tư duy của học sinh.
Bản chất của quá trình này là phản biện lẫn nhau mà người hỏi là người đã nắm câu trả lời và muốn đưa người được hỏi tới niềm tin vào câu trả lời đó.
Đơn giản hơn, trong một cuộc trò chuyện của bạn với đồng nghiệp. Cả hai cùng nói về một drama đang xảy ra trong thời gian gần đây, bạn đã xem hết tất cả thông tin về drama đó, và cũng có một số nguồn tin chính thức tốt hơn để xác thực drama đó trong khi đồng nghiệp của bạn không thực sự hiểu về nó, và bị chi phối bởi nhiều nguồn tin khác. Nếu bạn trực tiếp khẳng định vấn đề với họ, họ sẽ cảm thấy bạn không đáng tin, và nghi ngờ lời bạn nói.
Lúc này, bạn cần sử dụng phương pháp Socrates để dẫn dắt họ tới khúc mắc quan trọng của drama mà họ chưa nắm được. Những câu hỏi đầu tiên, họ sẽ rất tự tin trả lời, thậm chí sẵn sàng phản biện rõ ràng cùng bạn. Nhưng sự chênh lệch ở đây, là bạn nắm rõ hơn tiến trình của drama đó, biết được ai đúng ai sai. Vì thế, khi họ bắt đầu cảm thấy nghi ngờ tính chính xác của những nguồn tin mà mình nghe được, đó là lúc để bạn nói ra những điều bạn đang nắm giữ.
Xem thêm: 5 bí quyết giúp bạn chiến thắng trên bàn đàm phán
Phương pháp Socrates có thể coi là một phần của nghệ thuật thuyết phục, một phần của nghệ thuật phản biện, khiến cho người khác tin tưởng vào chân lý mà bạn đưa ra.
Ý nghĩa của phương pháp Socrates
Phương pháp truy vấn, đối thoại Socrates giữ một vai trò quan trọng. Có thể coi nó là nghệ thuật phản biện đỉnh cao khiến cho nhiều người dễ dàng bị thuyết phục từ chính những gì mà họ trả lời.
Phương pháp giảng dạy ấn tượng
Xét về khía cạnh giáo dục, truy vấn kiểu Socrates giúp cho hoạt động giảng dạy trở nên sôi nổi và tích cực hơn. Bản tính của con người là luôn luôn muốn giành chiến thắng, bất kỳ ai cũng vậy và trong tình huống nào cũng vậy. Chính vì thế, đối diện với một người hiểu biết, chúng ta đều luôn muốn được tranh luận cùng họ.
Dựa trên tâm lý này, giáo viên có thể sử dụng phương pháp Socrates để kích thích tư duy của học sinh, sinh viên, giúp họ tìm ra những kiến thức mới.
Đồng thời, sử dụng phương pháp này sẽ khiến giờ học bớt nhàm chán, học sinh chủ động hơn. Đặc biệt nó có thể thúc đẩy hành vi đặt câu hỏi phản biện lẫn nhau trong hoạt động thuyết trình. Khi tham gia phản biện kiến thức, học sinh sinh viên có thể nhớ được lâu hơn.
Phương pháp dẫn dắt tâm lý
Nghệ thuật đối thoại của Socrates cũng có thể coi là một sự “thao túng tâm lý” từ những người nắm giữ thông tin, và muốn những người tham gia đối thoại tin vào thông tin đó.
Ở đây, người nắm giữ thông tin đã lợi dụng phản biện để đưa những người trả lời đi vào ngõ cụt của vấn đề, và việc khai thông đường mới là việc mà họ đang chờ đợi.
Lợi dụng điều này, họ có thể tạo ra một cuộc đối thoại thành công. Ví dụ, khi tiếp cận khách hàng, thay vì sử dụng chiến thuật lời khen, bạn có thể chạm vào những điểm cảm xúc lo âu của khách hàng, đưa ra cho họ những câu hỏi cảm nhận về sản phẩm “Chị thấy chiếc váy này mặc lên như thế nào?”, “Anh thấy không khí của căn nhà này ra sao?”, khi họ đã đưa ra câu trả lời đồng tình khen ngợi, bạn có thể dẫn họ vào sự tìm kiếm về chất liệu, hoặc yếu tố khan hiếm, yếu tố khuyến mãi,...
Ở đây, chiến thuật là sử dụng nghi vấn hoặc phủ định để đi tới khẳng định. Khách hàng sẽ cảm thấy mình là người trả lời, mình là người tự lập luận, tự dẫn chứng, và vì thế họ sẽ cảm thấy có niềm tin vào những phát hiện đó.
Tôn trọng sự hiểu biết
Sự tôn trọng ở đây diễn ra giữa cả người hỏi và người được hỏi. Bản chất của phương pháp Socrates được đánh giá là để người được hỏi phô bày sự tự phụ của họ về kiến thức cho đến khi họ không biết nữa, còn người hỏi sẽ là người đang tìm kiếm câu trả lời. Thực chất, nó hoàn toàn ngược lại, là sự chi phối của người hỏi dành cho người được hỏi, khai thác những hiểu biết của họ về vấn đề và khẳng định những kiến thức mới hơn.
Vì thế, phương pháp Socrates cũng diễn ra dựa trên sự tôn trọng về hiểu biết của những người trong cuộc. Ban đầu là sự tôn trọng hiểu biết của người hỏi dành cho người trả lời, cho người trả lời không gian phát huy tài năng của mình, sau đó tạo ra một cú hích ấn tượng để người trả lời tôn trọng ngược lại.
Có thể hình dung phương pháp Socrates có nguyên lý tương tự như câu nói “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” vậy.
Cốt lõi của hoạt động nhóm
Phương pháp Socrates được xây dựng dựa trên một vòng tròn thảo luận, bắt đầu từ luận điểm chính cần chứng minh, từ đó tỏa ra những quan điểm khác nhau, những lập luận phân tích, những luận chứng xác thực. Những lập luận và dẫn chứng nối tiếp nhau theo một vòng tròn, cho đến khi nó đạt tới sự đầy đủ để đưa ra kết luận cuối cùng cho luận điểm.
Gợi ý: Những Yếu Tố Quyết Định Thành Công Của Leader Khi Teamwork
Ví dụ, khi thảo luận về vấn đề bất bình đẳng giới, hoạt động phản biện sẽ xoay quanh các chùm câu hỏi:
+ Bất bình đẳng giới là gì? Tại sao bất bình đẳng giới tồn tại?
=> Dựa trên tồn tại này, cần tiếp tục đưa ra câu hỏi hệ quả: nhận định thực tế về vấn đề, nếu nó tồn tại, nó gây ra hậu quả gì?
+ Tác hại của bất bình đẳng giới như thế nào?
=> Câu hỏi tiếp theo đặt ra mang tính giải quyết vấn đề, bắt đầu với những giải pháp đã thực hiện, nhưng đồng thời cũng phủ định nó vì đã thực hiện nhưng không thể giải quyết tốt vấn đề bất bình đẳng. Sự phản biện, phủ định này là để người trả lời nhìn nhận ưu khuyết của các phương pháp, tại sao đã làm nhưng vẫn không thành công và còn phương pháp nào để giải quyết nó.
+ Những nỗ lực giải quyết bình đẳng giới trước đó ra sao? Đề xuất giải pháp khác để giải quyết bất bình đẳng giới?
Trong hoạt động nhóm, khi những người tham gia cùng phản biện, lập luận, đánh giá nguyên nhân kết quả và hệ quả của vấn đề, thì sẽ không bị bỏ sót bất cứ khía cạnh nào và có thể đạt tới hiệu quả học tập và lao động tốt nhất.
Phương pháp đối thoại Socrates là một lý thuyết ứng dụng sâu trong đời sống hằng ngày. Với phương pháp này, bạn hoàn toàn có thể trở thành một chuyên gia đàm phán, một bậc thầy giao tiếp, nhưng yếu tố nền tảng để bạn nắm bắt được nghệ thuật này chính là kiến thức. Phương pháp này cũng giúp bạn tránh khỏi tình huống tranh cãi khi bản năng bảo vệ cái đúng trỗi dậy, mỗi người không chịu thừa nhận quan điểm khác với mình.
Để sử dụng thuần thục Socrates, bạn cần phải học hỏi không ngừng, làm đầy đặn kho tàng trí tuệ, và học cách tư duy vấn đề đa chiều, bạn mới có thể sử dụng Socrates để bồi đắp tri thức cho những người khác.