Đối với những nhà biên kịch, điều vui nhất là có thể giữ được ý tưởng kịch bản, là ý tưởng ấy được triển khai quay, là khi quay xong ra phim được khán giả đón nhận. Kịch bản giống như một sản phẩm nội dung đặc thù, yêu cầu ở người viết năng lực sáng tạo, khả năng tư duy, tổ chức ý tưởng, sắp xếp tuyến tính nhân vật,... Viết kịch bản không phải là phóng bút là ra chữ như tản văn, ghi lại cảm xúc thường ngày. Không phải là những content trên Facebook, Instagram mang màu sắc quảng cáo. Người viết kịch bản phải là một nghệ sĩ múa thạo nghề, vừa mềm mại linh hoạt, vừa vững vàng thăng bằng. Linh hoạt để ứng đối với những tình huống chỉnh sửa gấp, thăng bằng để không lung lay trước những ý kiến, giữ được chính kiến của mình. Để nâng bút múa ra được kịch bản, bận nên ghi lại những lưu ý dưới đây. 

1. Ý tưởng là đầu câu chuyện

Plato từng nói, “Ý tưởng là khởi nguồn của tất cả”. Đúng thế. Bạn muốn trở thành người nổi tiếng, bạn muốn có địa vị xã hội, nhưng khi hỏi bạn định đi hành trình ấy ra sao, thì bạn bảo không biết không rõ. Thật đáng sợ khi không có ý tưởng cho những việc mình làm. Viết cũng vậy. Để khơi dậy sức mạnh nội tại, để khơi dậy tinh thần sống hăng hái, bạn phải có ý tưởng. Ý tưởng giống như một ngọn đuốc sáng, soi đường cho bạn bước đi giữa những tăm tối, lần thấy con đường thuộc về mình. 

Để viết kịch bản, ý tưởng là cái bắt đầu tất cả và nó không đi đâu xa hơn ngoài cuộc sống. 

Hãy theo dõi ví dụ này: An Elephant Sitting Till là một bộ phim lấy ý tưởng từ chính bản chất xã hội Trung Quốc thời kỳ hiện đại. Đạo diễn, người viết kịch bản - Hồ Ba - đã đem cả một vùng đạo đức suy tàn băng hoại vào trong kịch bản. Có một cậu bé tự tử vì mất đi niềm tin vào chính nghĩa, mất hy vọng vào tình bạn, mất khát khao sống và chỉ còn chán nản với môi trường sống đục ngầu. Có một ông cụ bám víu vào một con chó để không phải vào viện dưỡng lão, nhưng rồi con chó ấy bị chó nhà hàng xóm cắn chết. Có một tay anh chị bị tình yêu từ chối, lại ngoại tình với vợ của bạn thân, khiến người bạn nhảy lầu tự tử. Có một cô bé phản nghịch tìm kiếm niềm vui ở thầy hiệu phó.

An Elephant Sitting Still (2018) - IMDb

Poster phim An Elephant Sitting Till - nguồn IMDb

Những kẻ khốn nạn về đạo đức tụ lại cả đấy, từ nhà trường đến gia đình, từ con cái đến cha mẹ, đó là tất cả của xã hội rồi. Từ ý tưởng về đạo đức xã hội, Hồ Ba đã phát triển kịch bản không ở một góc độ duy nhất mà nhìn đạo đức trong mối tương quan với những con người khác nhau, môi trường khác nhau, mối quan hệ khác nhau cho đến khi kết luận cuối cùng về việc phải sống trong xã hội như thế này ra sao. 

Xem thêm: Sáng tạo và những nguyên mẫu

Một ý tưởng tốt hình thành dựa trên tố chất của người viết: Bao gồm khả năng tư duy, khả năng sáng tạo, khả năng nhận thức xã hội, khối lượng kiến thức dung nạp,... tất cả chúng cùng hướng về xã hội, sau đó thâu thập thông tin, chuyển đến não bộ xử lý và rút ra một kết quả cuối cùng. 

Để có ý tưởng, bạn cần tranh luận về nó. Hãy luôn đặt bản thân trong một trạng thái phủ định và sẵn sàng đưa ra phản đề. Bạn có thể tranh luận với chính mình hoặc với những người khác về ý tưởng đầu tiên bạn nghĩ ra. Nếu nói là chủ đề, thì chẳng có gì mới cả vì người ta đã nói mãi về gia đình, về tình yêu, về tình bạn. Nhưng Hồ Ba đã khéo gom góp chúng lại với nhau, đào bới cái mặt xấu xí nhất của chúng, và cho khán giả thấy chúng có mối liên hệ với nhau ra sao trong An Elephant Sitting Till. Tương tự như vậy, nếu bạn đột nhiên nghĩ ra điều gì đó, đau khổ cũng được, vui vẻ cũng được, nhưng đừng vội chấp nhận nó ngay. Bạn cần bỏ thời gian tra cứu thông tin liên quan, tra cứu những bàn luận xung quanh, hoặc trao đổi với những người bạn của mình. 

Từ câu chuyện thư tịch Hán Nôm cổ bị mất, bạn nghĩ đến điều gì? Những kẻ trộm sách hay do sự tắc trách? Liệu chúng ta mượn nó để kể câu chuyện về những người đi tìm lăng vua đang bị chôn vùi thì sao? Hay chúng ta nói về một âm mưu thao túng lịch sử của những nhà sử học thừa hưởng sức mạnh huyền bí của thời gian, thì có được không? Ý tưởng là đầy rẫy, quan trọng là bạn cho phép nó xuất hiện ra sao. 

2. Thực hiện trình tự viết kịch bản

Kịch bản là một sản phẩm của sáng tạo nhưng cũng đồng thời là sản phẩm của tư duy logic. Để viết hoàn thiện một kịch bản sau khi đã có ý tưởng, người viết cần lưu ý:

Xây dựng cốt truyện

Cốt truyện chính là những nhánh cây tỏa ra từ thân cây ý tưởng. Tại sao nhiều người viết thường hay bị sa đà quá nhiều vào một vấn đề nhỏ mà bỏ qua vấn đề lớn. Hoặc viết theo kiểu “mình voi đuôi chuột”, đặt ra một vấn đề lớn lao nhưng không giải quyết nó. Nguyên nhân chính xác và hầu như là duy nhất: Họ không có cốt truyện chính.

Free vector storyboard concept illustration

Cốt truyện là sự cụ thể hóa về mặt ý tưởng, nơi nhân vật chính xuất hiện với một cuộc đời đi qua thăng trầm biến cố, làm sao để ở mỗi mâu thuẫn xung đột cuộc đời ấy, giá trị của kịch bản lại được bộc lộ thêm. Vì Hồ Ba muốn viết về câu chuyện đạo đức, nên các nhân vật trong phim của anh ấy cũng u ám, tăm tối, một sự tụ hội của những kẻ xấu xa và con người đi từ trong sáng đến tha hóa. 

Thiết lập sơ đồ nhân vật

Độ dài của một bộ phim tỷ lệ thuận với số lượng nhân vật. Thông thường, phim điện ảnh sẽ có từ 2 nhân vật chính, 1-2 thứ chính, 1-2 nhân vật phụ. Phim truyền hình trên 30 tập là 2-3 nhân vật chính và trên 50 tập là 3-4 nhân vật chính chưa kể thứ chính. 

Trong đó, nhân vật chính là nhân vật mang số phận chính và thông điệp kịch bản. Các nhân vật thứ chính là nhân vật nâng đỡ nhân vật chính để lột tả mạnh mẽ ý tưởng xuyên suốt, nhân vật phụ có vai trò như người đóng góp. Họ có thể là nhân vật đồng hành hoặc nhân vật phản diện.

Free vector people dance moving body at music disco party

Trước khi bắt tay viết kịch bản, người viết cần hoàn thiện sơ đồ này, trao cho các nhân vật đặc điểm, tính cách, mối quan hệ với nhau và đặc trưng hành động. Ví dụ, những nhân vật điển hình cho cô gái thôn quê thường dịu dàng, giản dị, trong sáng. Nhân vật bà mẹ chồng thì thường là người thành phố, khó tính, hay soi mói bắt bẻ con dâu. 

Sơ đồ nhân vật này giúp bạn xác định chính xác vai trò của nhân vật, từ đó cho phép nhân vật xuất hiện như thế nào và bao nhiêu lần trong kịch bản. 

Đề cương phân tập và phân cảnh

Đề cương phân tập là sự phân tách các sự kiện theo từng tập, đảm bảo cân đối về mặt nhân vật, lời thoại và hành động. Lưu ý trong khi phân tập là mỗi tập phải kết thúc ở khoảnh khắc gây hồi hộp nhất. Đây là một phương pháp kích thích ham muốn theo dõi của khán giả truyền hình. Giống  như những phân lớp trong kịch sân khấu, mỗi màn tương ứng với mỗi tiến trình sự kiện khác nhau, có nhân vật hoặc bối cảnh khác, và thường hạ màn ở thời điểm gần tiết lộ đáp án. 

Đề cương phân cảnh là trong một phân tập sẽ có những phân cảnh khác nhau, tương ứng với các tiêu chí Không gian - Thời gian - Địa điểm diễn ra sự kiện. 

Các phân cảnh này dựa trên nguyên tắc 5W - Who-Where-What-When-Why (Ai, ở đâu, cái gì, thế nào, tại sao). Bạn không nên giải thích lan mang dài dòng, chỉ cần tập trung trả lời cho 5 chữ W này thì sẽ đáp ứng được yêu cầu về tính logic trong kịch bản. 

Ví dụ, bộ phim Mùa ổi mở đầu với cảnh ông Hòa nhấp nhổm đứng ngoài bờ tường nhìn vào cây ổi trong sân, và những người chủ mới đang tiễn nhau trước cổng sẽ được đánh dấu tên tên phân cảnh là: NGOẠI - NGÀY - SÂN NHÀ CŨ CỦA ÔNG HÒA. 

+ Who - Ai: ông Hòa. 

+ Where - Ở đâu: nhà cũ của ông Hòa

+ What - Cái gì: ông Hòa ngó xem cây ổi, thấy cha con người chủ mới đang chia tay nhau

+ When - Khi nào: một buổi sáng

+ Why - Tại sao: ông Hòa nhớ cây ổi, muốn hái chúng.

Mùa ổi” mãi vương vấn trong ký ức về một thời đẹp đẽ » Báo Phụ Nữ Việt Nam

Một cảnh trong phim Mùa ổi - nguồn Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam

3. Hình dung khung cảnh

Đây là một lưu ý quan trọng dành cho những người muốn viết kịch bản tốt. Kịch bản phim thực chất là dạng ngôn từ hóa của những phân cảnh sẽ được quay sau đó. Chính vì thế, một kịch bản phim tốt là một kịch bản viết ra mà như vẽ nên khung cảnh. Để làm được điều này, người viết cần lưu ý thêm một số yếu tố sau:

Tưởng tượng về khung cảnh

Khi viết kịch bản, bạn phải hình dung ở trong tâm trí khung cảnh mà bạn muốn quay. Tức là bạn phải đứng ở góc độ của đạo diễn, để xem khi câu chuyện của bạn đi qua ống kính, nó nên được hiện lên như thế nào. Khi những hình dung này rõ ràng hơn, bạn mới nên đặt bút viết. 

Hình ảnh hóa ngôn từ

Tức là những ngôn từ không được trừu tượng, không khó hiểu, đơn giản hóa thành những hành động tương ứng phục vụ cho mong muốn hình ảnh mà bạn đã hình dung. Ví dụ, bạn nghĩ về một chàng trai đau khổ, nếu bạn để nguyên từ “đau khổ”, đạo diễn sẽ không biết phải chỉ đạo quay như thế nào mới hợp kịch bản và thiết lập nhân vật. Bạn phải ghi rõ ràng anh ta cúi gằm mặt xuống, hai bả vai run lên, khuỷu tay chống lên bàn, đưa hai bàn tay luồn vào tóc và siết lấy mái tóc. Tức là, thay vì dùng từ cảm thán, bạn dùng từ miêu tả. 

Để viết được một kịch bản tốt, có thể nói là vừa khó mà vừa không khó. Nó khó ở chỗ, bạn phải tìm ra một ý tưởng độc đáo, không trùng lặp với người khác, sau đó thiết lập các quy trình một cách thật cẩn thận trước khi bắt tay vào viết. Nhưng nó cũng dễ vì bạn không cần vắt óc suy nghĩ những ngôn từ hoa mĩ như một tác phẩm văn học. Điều bạn cần làm là mô tả mọi thứ dưới dạng hành động, thông qua ngôn từ mang màu sắc hình ảnh hóa, để thuận lợi trong giao tiếp với đạo diễn.