Định nghĩa lại “nàng thơ” trong hội họa
Danh hoạ Vincent Van Gogh đã từng nói rằng: “Đừng tắt nguồn cảm hứng và trí tưởng tượng; đừng trở thành lệ cho hình mẫu của mình”. Hình mẫu - không phải là một cái khuôn để người nghệ sĩ tìm mọi cách dung hòa được bên trong nó. Hình mẫu - không phải là một cái lồng để dù nghệ sĩ có muốn sáng tạo ra sao cũng phải buộc vào giới hạn của nó. Hình mẫu - hay còn gọi bằng cái tên “nàng thơ” chính là nguồn cảm hứng vô tận. Khi họa sĩ lòng yêu thương một người nào đó, những bức vẽ sẽ không chỉ mang dáng hình, mà còn mang những khoảnh khắc liên quan đến hình mẫu ấy, những bức vẽ không gian chứa đựng tình cảm ấy. Bản thân những “nàng thơ” là nguồn phát của hàng triệu triệu ý tưởng tuyệt vời.
Hãy nhớ rằng, những bức vẽ tuyệt vời của Pablo Picasso có nguồn cảm hứng từ những người phụ nữ trong cuộc đời ông, xuất phát từ những ấn tượng của ông với họ mỗi khi cuộc tình qua. Ví dụ, bức vẽ Người phụ nữ đi tắm biển ngồi trên bãi cát (1929) với hình ảnh một người phụ nữ biến dạng, được lấy cảm hứng từ hiện trạng cuộc hôn nhân đầy sự đay nghiến của ông. Hay như bức Người đàn bà khóc vẽ năm 1937, là ấn tượng của Pablo Picasso với Dora Maar - một người phụ nữ đau khổ và tuyệt vọng. Các ý kiến khác cho rằng, tác phẩm không chỉ là vẽ Dora Maar, mà đang vẽ một biểu tượng của những nỗi đau chiến tranh, những người đàn bà đang phải hứng chịu hậu quả từ cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Bức tranh Người đàn bà khóc (1937)
Claude Monet - người đặt nền móng cho trào lưu Ấn tượng - đã để lại cho giới nghệ thuật hàng loạt bức tranh được lấy cảm hứng từ “nàng thơ” và cũng chính là vợ của ông - Camille Doncieux. Trong các bức tranh, có khi Camille Doncieux xuất hiện một cách rõ ràng, có khi lại chỉ là bóng hình mờ ảo hoặc những dấu hiệu liên quan đến bà như cuộc sống cạnh khu vườn ở Argenteuil, kế bên thành phố Paris. Có thể kể tên một số tác phẩm như Woman with a Parasol – Madame Monet and Her Son, Springtime hay The Reader.
Bức tranh Woman with a Parasol – Madame Monet and Her Son
Vậy, với những bức vẽ không có “nàng thơ” nhân dạng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Làm thế nào những họa sĩ vẽ phong cảnh, vẽ tĩnh vật lại có thể vẽ mà không cần “nàng thơ”?
Thực tế, “nàng thơ” chỉ là một cách gọi của nguồn cảm hứng. Với Claude Monet, nàng thơ đến từ người phụ nữ đã gắn bó nửa đời với ông, mang cho ông một cảm xúc tình yêu rộn ràng vượt qua mọi ngăn trở, một cuộc sống yên bình với khu vườn nhà ở ngoại ô thành phố. Nhưng cũng chính với Vincent Van Gogh, nàng thơ của ông không phải từ một người nhất định hay một tình yêu nhất định. Nàng thơ của Vincent Van Gogh chính là thiên nhiên, là những địa điểm mà ông chiêm ngưỡng, kết hợp với xúc tác tinh thần và trí tưởng tượng để cho ra đời những bức vẽ The Starry Night, The Sower và The Red Vineyard at Arles, View of the Sea at Scheveningen. Mỗi bức vẽ, mỗi mảng màu trong sáng tác của Vincent Van Gogh biểu hiện trạng thái của ông khi ở gần với những “nàng thơ” của đời mình, có đau khổ cuồng loạn, cũng có hạnh phúc và cả âu lo. Và hiển nhiên, sự thể hiện ấy không có gì khác so với sự thể hiện trong những bức tranh của Pablo Picasso.
Hành trình tìm kiếm “nàng thơ” trong hội họa
Bất cứ người nghệ sĩ nào, dù là nhà văn nhà thơ, nhà soạn nhạc hay họa sĩ, đều luôn có chung một niềm khao khát, là tìm thấy “nàng thơ” trong đời mình. Thế nhưng, cũng có nhiều họa sĩ, vì cho rằng “nàng thơ” chỉ nằm ở nhân dạng nhất định, chỉ đến từ một cá nhân nhất định nên mất rất nhiều thời gian chờ đợi nàng thơ hay chàng thơ đến bên đời mình. Thực tế là, “nàng thơ” chỉ là một chất xúc tác, một sự đóng góp phát ra cảm hứng, còn linh hồn tác phẩm lại là sự hiện diện linh hồn của người nghệ sĩ. Để tìm kiếm nguồn phát cảm hứng, những họa sĩ và những người yêu vẽ có thể khởi động hành trình sau:
1. Tận hưởng mọi biến động của cuộc đời
Họa sĩ Nguyên Cầm - tác giả của những bức tranh khắc họa nội tâm ấn tượng, tiêu biểu như triển lãm Empreintes (Dấu Vết) - đã từng chia sẻ rằng: “Tôi thường hay so sánh cuộc hành trình nghệ thuật như một cuộc chạy đua ‘marathon’, nơi mà đích tới không quan trọng bằng con đường mình đi qua. Những cảm hứng xuất phát từ những tình cảm, hình ảnh hay phong cảnh mà mình đã gặp. Những kỷ niệm đau buồn và hạnh phúc, ở những nơi chốn mình đã sống”.
Những ý niệm trong hội họa đến từ việc sống và “tận hưởng” những sự kiện, cảm xúc, bao gồm cả nỗi đau và niềm hạnh phúc, cả những giây phút tuyệt vọng đến những giờ khao khát. Để sự “tận hưởng” diễn ra đúng nghĩa và đem lại hiệu quả, bạn có thể áp dụng biện pháp sau:
Vận động các giác quan trong quá trình “tận hưởng”, từ những giác quan thực thể là vị, thính, thị, khứu, xúc đến giác quan ẩn hình là sự cảm. Sự cảm đến từ sự hội tụ của những hình ảnh, mùi vị, âm thanh xung quanh, sau đó tổng hợp lại và bộ não, sâu hơn nữa, trừu tượng hơn nữa là tinh thần, sẽ quyết định ra các phản ứng của cơ thể. Sự vận động linh cảm cho phép người họa sĩ cởi mở với những gì đang diễn ra xung quanh và tiếp nhận nó một cách có chiều sâu.
Gợi ý: Mindfulness (tỉnh thức) trong hội họa: nguyên tố của cuộc cách mạng sáng tạo
Nếu người họa sĩ chỉ nhìn bông hoa như là một loại thực vật mọc lên từ đất, thì bông hoa trên trang giấy chỉ đơn thuần là một hình hoa vô cảm. Nhưng nếu người họa sĩ ngắm nhìn bông hoa ấy bằng ý niệm trào dâng trong tâm trí, đối xử với nó như nàng thơ của đời mình, thì nó sẽ hiện lên trên bức tranh với một ý nghĩa mới. Đó là lý do vì sao Van Gogh có thể vẽ liên tục những bức tranh hoa hướng dương, nhưng mỗi bức tranh lại là những sự thay đổi khác nhau, dáng vẻ của bông hoa và sự gợi mở đến người xem cũng trở nên khác biệt. Nhiều nhà phê bình thời điểm đó đã chê bai những tác phẩm hướng dương của Van Gogh, nhưng sau đó, cả thế giới đều phải thừa nhận những nỗi ám ảnh tuyệt tác này của ông. Chính Vincent Van Gogh đã thừa nhận - trong một lá thư gửi em gái - những bông hoa hướng dương mộc mạc mang ý niệm của lòng biết ơn, dù đôi khi nó cũng mang theo tiếng gào thét thống khổ của chính ông ở những ngày tháng đó.
Không chối bỏ những cảm xúc của bản thân. Thật tệ làm sao khi chúng ta cứ cố gắng che giấu con người thật của mình, hoặc cố mang một tấm mặt nạ mới lạ để làm hài lòng người khác. Và họa sĩ, nếu như mang một tấm mặt nạ giả dối để che giấu những cảm hứng sáng tác thực tế, thì tác phẩm của anh ta chỉ là sự góp nhặt cảm hứng của người khác, học theo những gì mà thế giới tôn thờ. Những tác phẩm không mang một “hơi thở” riêng, cũng không thể cất những lời khẳng định riêng. Màu sắc, và cả đường nét đều biến chuyển theo cảm xúc, đó là lý do tại sao khi chúng ta phân tích những tác phẩm hội họa, chúng ta sẽ nhìn thấy được sự biến chuyển cảm xúc thông qua những bức tranh theo từng thời kỳ, giai đoạn của các họa sĩ lớn.
2. Lưu giữ ký ức và thể nghiệm trong mọi thời không
Họa sĩ nổi tiếng người Pháp - Edgar Degas - từng nói đại ý: Anh có thể sao chép những điều anh thấy, không sao cả, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu anh vẽ ra những điều được kết hợp bởi những gì lưu lại trong trí nhớ và trí tưởng tượng của chính mình.
“Nàng thơ” là một khái niệm vừa có tính hiện diện ở thực tại, vừa bao gồm tưởng tượng về tương lai và những mảnh ký ức được sắp đặt.
Trước khi đặt bút vẽ, người họa sĩ sẽ bắt đầu thể nghiệm một sự dịch chuyển thời không từ thực tại về quá khứ hoặc tương lai, tùy thuộc vào cảm xúc lúc đó, hoặc những khơi gợi bất chợt từ tâm trí. Ví dụ, trong một buổi sáng đẹp trời, bạn đang đi dạo trên phố và cảm thấy vui vẻ. Tuy nhiên, bạn bất chợt bắt gặp những gánh hàng rong - sự xuất hiện của nó như một cái điểm chuông bất ngờ, khơi gợi lại ký ức ngủ quên của bạn. Dòng chảy của tâm trí kéo bạn về những ngày bé xíu, nhớ gánh hàng của bà của mẹ, nhớ gánh hàng chầm chậm ngang qua ngõ mỗi sáng mai về. Cảm hứng dạt dào về những con phố dập dờn bóng lá và những đôi vai gầy đang mưu sinh bắt đầu thôi thúc bạn phải cầm cọ lên và vẽ.
Đó chính là sự thể nghiệm vượt thời không, để tìm thấy “nàng thơ” cảm hứng đang lẩn lút.
Xem thêm: Định nghĩa lại giá trị của hội họa: Đừng ngủ quên trong cuộc khắc nghiệt và tôn giáo
Nếu bạn thực sự yêu thích hội họa, xin đừng đặt nó vào một cái khuôn, hãy cho phép hội họa được sống cùng cuộc đời của bạn. Nó không chỉ là một bộ môn công nghệ, mà còn là công cụ lao động, là phương pháp chữa lành, là nơi lưu giữ những mộng tưởng và cảm xúc của con người. Trên hành trình tìm kiếm “nàng thơ” của đời mình, đừng chỉ đau đáu trong một dáng hình chuẩn nhất, mà hãy cho phép trái tim được mở rộng, tâm hồn được tự do, tiếp nhận những điều tuyệt vời từ xung quanh. By because on hết, hội họa, là linh hồn của nghệ sĩ.