Khán giả biết về kịch đến đâu?
Kịch - nghệ thuật sân khấu với thẩm mỹ hóa cao độ
Đặc trưng chính của kịch là một diễn ảnh sân khấu, khắc họa cốt truyện và nêu bật ý tưởng thông qua những xung đột kịch tính trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tiếng.
Mặc dù thời gian tái hiện một vở kịch khá tương đồng với thời gian chiếu một bộ phim điện ảnh, song một bộ phim điện ảnh lại có xu hướng chiêm nghiệm hóa nên những xung đột của điện ảnh vẫn mang trong nó một cái chất thơ tình hàm súc.
Xem thêm: Câu chuyện văn học và điện ảnh
Ví dụ, đối với phân cảnh nhân vật chính đi đến bên bờ sông và muốn kết thúc cuộc đời mình, điện ảnh sẽ tái hiện nó thông qua vô số những góc quay làm bật lên âm thanh tiếng nước chảy, sự sâu rộng dài của một dòng sông, sự đơn độc của một bóng người, sự tĩnh lặng của một nỗi thất vọng và tuyệt vọng ngập ngụa. Nhưng kịch không làm như thế và cũng không thể làm thế.
Bởi vì kịch diễn trên sân khấu với bối cảnh giả lập, những mô tả ngoại cảnh đều tồn tại trong trí tưởng tượng của người diễn viên, do đó, kịch tập trung vào những thứ tác động mạnh mẽ đến giác quan của khán giả, đó là nhạc đệm - thoại - biểu cảm gương mặt. Dựa trên ba góc độ đó, khi ở trong tình huống cần tái hiện cảnh gieo mình xuống nước, nhạc đệm không trầm, chậm mà căng thẳng hơn, căng thẳng theo hành vi của diễn viên kịch với biểu cảm sống động.
Vì kịch là thể loại trình diễn trực tiếp nên gương mặt diễn viên luôn xuất hiện trước ống kính, máy quay hầu như không di chuyển nhiều và thường lấy góc chính diện chạy sang trái hoặc sang phải sân khấu. Những phân cảnh trong kịch là sự nối tiếp liên tục của những mâu thuẫn và xung đột. Mỗi một màn khép lại, đều để ngỏ ra một câu hỏi, khiến khán giả tò mò, sự tò mò khiến họ tập trung hơn, háo hức hơn cho phân cảnh phía sau.
Một số vở kịch đi cùng năm tháng
Nhắc đến kịch sân khấu, nhìn ra thế giới, chúng ta không thể nào bỏ qua William Shakespeare, một tượng đài vĩ đại với những tác phẩm kịch bất hủ, được trình diễn, tái hiện ở nhiều quốc gia như Romeo and Juliet, Đêm thứ mười hai, Hamlet, Người lái buôn thành Venice, v.v..
Tại Việt Nam, tiếp nhận ảnh hưởng từ các tác gia kịch lớn cùng với những làn gió biến động về thể loại, kịch đã có nhiều sự phát triển đa dạng ở bình diện kịch nói (kịch trọng thoại), kịch dân ca, nhạc kịch, v.v.. Mặc dù hiện nay, ngành công nghiệp điện ảnh phát triển, sự đa dạng về các loại hình giải trí khiến con người ít quan tâm đến thể loại này hơn trước, mà như những người làm kịch gọi là “rã đoàn” thì cũng không thể phủ nhận một thời kỳ đầy huy hoàng của sân khấu kịch Việt Nam với những cái tên Lưu Quang Vũ (vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt, Ngọc Hân công chúa, Tôi và chúng ta, Nàng Sita,...), Nguyễn Huy Tưởng (vở Vũ Như Tô, Những điều ở lại, Bắc Sơn,...). Không thể không kể đến những vở kịch kinh điển đã kinh qua bao lớp diễn viên như Truyện Kiều, Quan Âm Thị Kính,... Rất nhiều diễn viên trưởng thành từ sân khấu kịch như Nghệ sĩ Mỹ Duyên, Hữu Nghĩa, Mỹ Uyên, Quốc Tuấn, Minh Hạnh,...
Có thể thấy, những diễn viên thành công trên sân khấu kịch không hề ít, tuy nhiên, theo dòng luân chuyển của thời đại, chỉ còn một số ít người bén duyên với sân khấu, còn lại đều định hướng sang phim truyền hình - một thể loại khá gần với kịch nói.
Tại sao nên thể nghiệm sân khấu kịch?
Khi đóng phim, nếu bạn cảm thấy không ưng ý với một cảnh quay, bạn hoàn toàn có thể quay lại cảnh đó.
Khi đóng phim, nếu bạn cảm thấy ngày hôm đó trạng thái của bản thân không đủ tốt để đáp ứng hình tượng nhân vật, bạn có thể xin phép điều chỉnh cảnh quay.
Khi đóng phim, nếu bạn không giỏi về lĩnh vực nào đó, bạn có thể dùng diễn viên đóng thế. Điều này không hề xa lạ trong quay phim.
Tuy nhiên, sân khấu kịch không cho phép những điều này xảy ra. Bởi vì một sân khấu kịch được tổ chức cho những người xem trực tiếp với những trình diễn trực tiếp trên nền bối cảnh giả tưởng và những sự vật không phải lúc nào cũng là thật. Đây chính là thách thức của diễn viên.
Vì thế, nếu bạn tham gia một sân khấu kịch trước khi chính thức đóng phim, bạn có thể có được những lợi thế sau:
Khai thác tốt nhất tiềm năng ẩn của bản thân
Bạn sẽ không biết mình làm được đến đâu nếu bạn chưa thử những cái khó hơn cái bạn đang làm hiện tại. Bạn tham gia một tiểu phẩm cho một bộ môn nào đó, bạn đã thấy mình rất giỏi rồi. Nhưng khi bạn tham gia vào một vở kịch trình diễn trong đêm giao lưu của trường học, cảm xúc của bạn lúc đó sẽ khác. Nó không chỉ là tự hào nữa mà nó còn là sự thỏa mãn khi bản thân trở nên tốt hơn so với phiên bản ngày hôm qua và háo hức, khao khát những thử thách mới lạ. Để trở thành một diễn viên, điều kiện tiên quyết là bạn dám nghĩ, dám thử, dám nỗ lực khi bị cản đường.
Làm chủ ống kính, trình diễn đám đông
Như đã đề cập trong đặc trưng của kịch, đa số các vở kịch đều trình diễn trực tiếp, bản phát trên ti vi chỉ là một bản quay và cắt ghép lại từ hiện trường. Do đó, đặt mình vào một vị trí trên sân khấu sẽ giúp bạn theo dõi được chuyển động của máy quay, rèn luyện thói quen trình diễn trước đám đông, gia tăng mức độ tự tin.
Hạn chế cảnh quay hỏng
Trong quay phim có một thuật ngữ là cảnh NG, tức là cảnh phim không đạt chất lượng và cần quay lại. Kịch thì không được phép làm lại. Do đó, khi bạn biết được rằng bạn chỉ có một cơ hội duy nhất, và bạn buộc phải làm tốt nhất, thì bạn sẽ dốc sức ra để luyện tập, để học hỏi, để nâng cao chất lượng trình diễn của chính mình. Đây là lợi thế của diễn viên kịch khi chuyển hướng sang điện ảnh hay truyền hình vì có sẵn thế mạnh đài từ, kiểm soát cảm xúc, làm chủ tình huống, dẫn dắt bạn diễn,...
Một số kỹ năng quan trọng để trở thành diễn viên kịch
Kỹ năng thoại
Ngoại trừ loại hình kịch câm, các loại hình kịch khác đều yêu cầu kỹ năng thoại một cách nghiêm khắc. Thoại ở đây sẽ bao gồm thoại nói, thoại dạng lời hát, tùy thuộc vào thể loại diễn viên theo đuổi. Dù thuộc thể loại nói hay hát, kỹ năng thoại của một diễn viên kịch vẫn là yếu tố cốt lõi làm nên thành công của vở kịch. Thử tưởng tượng bạn là một khán giả, bạn ngồi xem kịch nhưng lại không nghe được diễn viên đang nói gì, trong khi đó ở sân khấu trực tiếp chắc chắn không có màn chiếu hay phụ đề, bạn có khó chịu không? Không một khán giả nào hài lòng với điều đó.
Để trở thành diễn viên, đầu tiên là phải kính cẩn học cách thoại sao cho tốt. Một diễn viên thoại tốt sẽ kiểm soát được những điểm sau:
Tốc độ nói và biểu cảm trong giọng nói phù hợp với mạch cảm xúc của tình huống kịch.
Ví dụ, khi Đan Thiềm cầu xin Vũ Như Tô chạy trốn, âm thanh phát ra phải khẩn khoản, nó phải mang được tâm sự da diết của một người cung nữ tiếc thương cho một bậc anh tài, nhưng cũng phải mang cái vội vàng khi đang bị địch truy ráo riết.
Yếu tố này yêu cầu tính linh hoạt rất cao. Một vở kịch chỉ diễn ra nhiều nhất là 3 tiếng, trong khoảng thời gian đó phải phơi bày những xung đột quan trọng nhất thông qua hành động và thoại. Do đó, thoại là hồn cốt của vở kịch, là một chiếc tàu lượn chạy theo đường ray của cốt truyện.
Để đáp ứng được sự linh hoạt đó, diễn viên cần phải nghiên cứu tác phẩm kịch và đánh dấu những lưu ý khi nói một câu thoại. Kịch thường được chia thành các phân cảnh, mỗi phân cảnh là một sự kiện. Khi đọc đến màn nào, bạn cần ghi ngay bên cạnh màn đó thái độ của lời thoại.
Tiếp tục trong vở Vũ Như Tô, ở lớp thứ VIII và lớp thứ IX, lời thoại của Vũ Như Tô đã có những thay đổi hẳn về biểu cảm. Lớp thứ VIII, Vũ Như Tô vẫn ôm mộng hoàn thiện Cửu Trùng Đài dù đã bị bắt, vẫn còn một chút kiêu ngạo về tài năng của bản thân, vẫn còn một hy vọng được gặp chủ tướng An Hòa Hầu để tự phân trần cho chính mình. Nhưng đến Lớp thứ IX, khi nghe tin An Hòa Hầu là người phát lệnh phóng hỏa, Cửu Trùng Đài chìm vào biển lửa thì Vũ Như Tô đã thất vọng hẳn. Những dấu chấm than trong thoại của ông xuất hiện nhiều hơn. Các từ sắc thái cảm xúc, các câu thoại ngắn cho thấy sự sụp đổ niềm tin của nhân vật. Ở đây, lời thoại đã đi từ hy vọng đến tuyệt vọng, và thậm chí thêm cả một chút tức tưởi khiến tiếng nói thành tiếng thét gào thống thiết qua hàng loạt từ “Ôi…”, “Trời…”.
Một phân cảnh trong vở kịch Vũ Như Tô - nguồn Báo điện tử Người lao động.
Âm thanh truyền đến tai khán giả phải tròn vành rõ chữ. Nếu không phải vào vai một nhân vật đặc thù bị ngọng nghịu thì ngay cả khi nói lắp, các từ tham gia vào tổ chức câu phải đáp ứng được sự tròn trịa. Bản chất của nói lắp là một kiểu rối loạn ngôn ngữ, khiến người nói khó khăn trong quá trình giao tiếp.
Ví dụ, khi muốn nói câu “Tôi muốn mua một chiếc áo”, thì người nói lắp thường ngắc ngứ ở vần “T”, lặp từ trong câu khiến câu bị kéo dài “T… t… ttttt.. tôi muốn mua… mua… một chiếc… chiếc… áo”. Trừ những điểm ngắt lặp đó thì các âm vẫn không hề bị ảnh hưởng, do đó, diễn viên cần phải chú ý những thiết lập nhân vật kiểu này.
Gợi ý: Những yếu tố góp phần tạo nên giọng nói biểu cảm
Kiểm soát hành động
Hành động được nhắc đến ở đây là hành động thực thể và hành động cảm xúc. Đặc trưng của kịch là tính kịch, nhưng cái kịch này phải được đẩy lên đến cao trào, từ niềm vui đến nỗi buồn đều mang một sắc thái tột độ, đôi khi là thái quá khiến khán giả bị rung động mãnh liệt. Ví dụ, khi chúng ta vui, chúng ta thể hiện bằng cách nhảy cẫng lên, cười ha hả liên tục, hoặc khóc rưng rức vì quá đỗi vui mừng, không ngừng thốt ra những lời trầm trồ. Đó chính là cái cần của kịch - một hiện thực trần trụi. Kịch không phải điện ảnh, do đó, kịch không theo đuổi cái thẩm mỹ cảnh quan như điện ảnh. Diễn viên kịch chỉ có duy nhất một cái sân khấu với những bối cảnh thô, câu chuyện mà họ kể chỉ có thể đến từ những hành động trên sân khấu.
Để trở thành diễn viên kịch, bạn cần tập luyện để có thể kiểm soát tốt hành động thực thể và hành động cảm xúc của mình. Vậy, luyện như thế nào?
- Thứ nhất, xây dựng kế hoạch luyện tập, phân bố thời gian luyện tập hợp lý.
- Thứ hai, tập đều đặn và quay lại từng lần tập để đánh giá những sự khác biệt.
- Thứ ba, luyện tập theo những phân cảnh, trường đoạn của một vở kịch.
- Thứ tư, học thuộc thoại để điều tiết thoại phối hợp nhịp nhàng với hành động.
Những mâu thuẫn trong kịch vô cùng mạnh, vì thế, tính đối kháng của nó cũng rất cao. Nếu bạn dùng một cảm xúc hời hợt, một hành động nhẹ nhàng để bộc lộ sự tức giận, khán giả sẽ không hiểu rốt cuộc nhân vật cảm thấy tức giận đến đâu. Nếu sự tức giận bạn thể hiện ra không tương thích với mạch cảnh, khán giả phát hiện điều này càng cảm thấy bức bối và thất vọng với cách diễn của bạn. Người ta thường hay nói phim truyền hình làm lố, như chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện đồng nghiệp công ty, nhưng thực chất đó là cái giúp cho xung đột mâu thuẫn đạt được hiệu quả cao nhất. Những hành vi sân khấu cũng cần có cái chất “lố” như thế, để có thể đẩy những câu chuyện lên tới cao trào, duy trì hứng thú cho những người xem trực tiếp.
Kỹ năng làm chủ sân khấu
Làm chủ sân khấu thực sự là một kỹ năng, trong đó bao gồm sự tự tin khi đứng trên sân khấu, sự hài hòa và trôi chảy trong hành động diễn, sự phối hợp và dẫn dắt bạn diễn nhịp nhàng, sự ứng phó với những tình huống bất ngờ.
Những yếu tố này không phải bạn muốn là có, hoặc cứ lên sân khấu một lần là sẽ làm được. Ngay cả những diễn viên tài ba cũng hiếm khi nhận mình là người đứng sân khấu giỏi nhất.
Những yếu tố này được hun đúc thông qua quá trình luyện tập trình diễn sân khấu, rút kinh nghiệm sau khi hoàn thành các vở kịch, xem xét trên những đánh giá của đồng nghiệp và khán giả.
Trong số các yếu tố đó, bạn cũng cần chú ý đến yếu tố dẫn dắt bạn diễn. Khi một nhân vật trong phân cảnh có sự hòa nhập tình huống cao độ, nhân vật còn lại cũng sẽ bị lôi cuốn theo. Bạn cứ hiểu một cách đơn giản, người đối diện quát mắng bạn thật đến nỗi bạn tưởng là họ nói mình, bạn hãy lấy cái thái độ đó để dẫn nguồn cảm xúc phát triển theo hướng kịch bản, coi mình là nhân vật sống trong đó, bạn sẽ tìm thấy lối ra phù hợp với bản thân.
Xem thêm: Nghệ thuật trình diễn trước công chúng
Bạn hoàn toàn có thể làm diễn viên mà không cần qua sân khấu kịch. Nhưng đây vẫn là một lĩnh vực mà bạn nên thể nghiệm trước hoặc sau nếu có đam mê diễn xuất. Bởi vì kịch giúp bạn củng cố nền tảng kỹ năng diễn xuất vô cùng vững chắc, từ hành động đến cảm xúc, từ tư duy đến thấu hiểu.