Vấn đề người hướng nội đang gặp phải
Thực chất, bên trong con người đều có sự mâu thuẫn và thống nhất của hướng nội và hướng ngoại. Sau đó, phần nào trội hơn thì sẽ trở thành chiều hướng nhân cách biểu hiện ra ngoài.
Hướng nội và hướng ngoại được đề xuất bởi nhà tâm lý học Carl Jung, là lý thuyết quan trọng trong nghiên cứu tâm lý học nhân cách.
Bạn có thể hình dung hướng ngoại và hướng nội qua hai đối cực. Người hướng ngoại sống trong sự chuyển động sôi nổi, không ngừng đẩy năng lượng của bản thân đi khắp mọi nơi. Người hướng ngoại dễ kết thân, nhanh hòa nhập, không ngừng thích thú và lạc quan. Trong khi đó, người hướng nội luôn giấu mình trong những tiểu tinh cầu. Họ không tách biệt hoàn toàn với cuộc sống nhưng họ có xu hướng sống chậm, bình lặng và yên ả.
Những người hướng nội không ghét giao tiếp nhưng họ có xu hướng né tránh những cuộc giao tiếp, không thích những sự ồn ào vội vã. Có lẽ vì thế mà khi tiến tới những cuộc giao tiếp, một số người hướng nội không biết làm thế nào để hòa chung vào không khí sôi nổi.
Ở trong công ty khi chuyện trò cùng đồng nghiệp, khi chung nhóm với người khác trong hoạt động tình nguyện, lúc gặp gỡ nhóm bạn cấp 3,... biểu hiện hướng nội bị những người khác coi là rụt rè, nhút nhát, nhưng thực ra, họ chỉ đang không biết phải làm sao.
Vậy nên, trong mọi cuộc giao tiếp, người hướng nội dễ gặp phải một vài vấn đề sau:
+ Cảm thấy chơi vơi trong khi kết nối với những nhóm người.
+ Không biết nối tiếp, kết thúc hay mở đầu câu chuyện như thế nào.
+ Lúng túng khi cuộc giao tiếp rơi vào im lặng
+ Không thể hiện quá nhiều cảm xúc trong giao tiếp
…
Những điều này khiến người khác cảm thấy người hướng nội khó gần, lạnh lùng, cho rằng họ không thích mình. Vậy, phải làm sao để thay đổi nó? Đó là điều mà rất nhiều người hướng nội đang tìm kiếm.
Giải pháp giao tiếp dành cho người hướng nội
Ngay cả những người hướng ngoại cũng có những lúc cảm thấy chần chừ, khó khăn trong giao tiếp. Vậy nên, nếu bạn có thiên hướng hướng nội, giao tiếp khó khăn thì bạn cũng không cần cảm thấy tự ti vì điều đó.
Bản chất của hoạt động giao tiếp là trao đổi thông tin, bày tỏ cảm xúc, cảm nhận,... và cuộc giao tiếp sẽ trở nên hiệu quả nếu cả hai bên cùng nắm bắt được sợi dây tương hợp lẫn nhau.
Một trong những điểm mạnh của nhóm người hướng nội là họ có sự tinh tế - trong khi im lặng quan sát, họ sẽ nhanh chóng nắm bắt được tâm lý của những người xung quanh mình. Nếu biết cách vận dụng thế mạnh này, việc làm chủ giao tiếp sẽ không có khó khăn nữa.
Dưới đây là một số cách, hay cũng là một số lưu ý quan trọng trong khi giao tiếp giúp người hướng nội dễ dàng hòa nhập hơn:
1. Không tự cô lập mình
Điều quan trọng đầu tiên để giao tiếp thành công là người hướng nội không tách biệt mình với những người khác. Những người hướng nội có đặc điểm hành vi là ngại giao tiếp, một phần do họ lười, cảm thấy không cần thiết, không muốn nói, một phần là do họ thấy không thoải mái khi phải cố gắng nói chuyện.
Tuy nhiên, xã hội là một vòng kết nối rộng lớn, mỗi địa điểm, mỗi nhóm cộng đồng lại là một kết nối nhỏ hơn. Sống trong mê cung kết nối ấy, việc từ chối giao tiếp không khác nào bạn chấp nhận ở mãi một chỗ, không cho bản thân được mở rộng những góc nhìn mới.
Vì thế, nếu bạn đang thấy ngại ngần với việc giao thiệp, thì hãy xốc lại tinh thần ngay. Bạn không cần giao thiệp với quá nhiều người, nhưng đừng khiến đối phương bị đẩy ra xa khi cùng bạn trò chuyện.
2. Người khác cũng muốn lắng nghe bạn
Khi một người chia sẻ câu chuyện của bản thân, họ cũng sẽ muốn được nghe cảm nhận của bạn, và câu chuyện của bạn.
Gợi ý: Lắng nghe thấu cảm - Đứng về phía cảm xúc
Ví dụ, trong tình huống bạn và một người A đang tìm hiểu nhau. Hai bạn hẹn nhau đi cafe, trong khi bạn A cố gắng kéo bầu không khí, cố gắng trò chuyện giao tiếp cùng bạn nhưng bạn lại chỉ hỏi gì nói đó, khiến cho mọi thứ dần đi vào ngõ cụt. Lúc này, người bạn A không chỉ cảm thấy tổn thương vì thái độ của bạn mà việc tìm hiểu cũng sẽ không có kết quả vì cuộc giao tiếp này đang diễn ra một chiều.
Bạn không cần phải nói nhiều, vì mỗi người có một tính cách khác nhau, nhưng cách bạn đáp ứng lại những tương tác của người khác là bạn đang tôn trọng và bày tỏ lòng yêu mến họ.
Nếu không biết bắt chuyện như thế nào, bạn chỉ cần nói tiếp vấn đề mà người khác đang nói, tìm ra điểm chung trong quan điểm của bản thân với họ, sau đó bộc lộ suy nghĩ cá nhân. Và từ vấn đề đó, bạn có thể lôi kéo họ sang vấn đề bạn quan tâm bằng những câu rất đơn giản “Hôm qua mình thấy báo có đưa tin về vấn đề B, mình thấy… cậu thấy sao”. Chỉ vậy thôi, họ đã có một chiếc thang để tới gần bạn hơn.
3. Kết hợp ngôn ngữ nội hàm và ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ không chỉ là những con chữ, ngôn ngữ xuất hiện khắp mọi nơi. Là âm thanh chúng ta phát ra từ thanh quản, là những cảm xúc hiện lên từ đôi mắt và trên gương mặt, là những cử chỉ rõ ràng khi giao tiếp,...
Xem thêm: Âm thanh phát ra từ trái tim chúng ta
Người hướng nội khi giao tiếp có xu hướng lo âu, thận trọng, vậy nên, lời nói của họ nhẹ nhàng nhưng lại không chứa nhiều cảm xúc bên trong. Họ luôn cố gắng tiết chế bản thân, kiềm lại việc bày tỏ quá nhiều, khiến cho con người mình phơi bày với người khác.
Tuy nhiên, nó là điểm mạnh khiến họ luôn bình tĩnh nhưng cũng là điểm yếu trong một vài trường hợp giao tiếp thân thiết hơn.
Do đó, trong cuộc giao tiếp, người hướng nội nên để ý một số chi tiết nhỏ sau:
- Đặt cảm xúc vào câu chuyện, để tăng sự nhấn nhá và sự biểu cảm, giúp cho người nghe chú tâm và tin chắc rằng bạn cũng hứng thú trò chuyện cùng họ.
- Vận động các trạng thái gương mặt, thay vì gật gù lắng nghe, bạn nên thêm vào một số biểu cảm tươi cười, bất ngờ như cảm nhận từ trái tim của bạn.
- Ngoài ra, bạn có thể dùng một số cử chỉ để làm sinh động cuộc trò chuyện, giúp bạn giảm sự lúng túng trong khi nói.
Khi thử những điều này, có thể bạn sẽ thấy khó khăn vì đã quen với sự yên ắng khá lâu. Thế nhưng, rất nhiều người muốn nghe bạn nói và họ cũng sẽ rất vui nếu bạn sẵn sàng chia sẻ cùng với họ. Thực ra, khi còn đang thu mình, người khác thấy bạn lạnh lùng nên ngại tiếp cận, bạn thấy họ sôi nổi vui vẻ nên nghĩ rằng mình không thể nào kết nối được.
Thế nhưng, đến khi thực sự mở lòng từng chút một, thì kết quả lại khác. Bạn dễ hòa nhập với họ hơn bạn nghĩ và họ thì cũng hào hiệp vượt ngoài mong đợi của bạn. Chúng ta có tâm lý như vậy là vì thông tin về tính cách mỗi người truyền tới chúng ta không được đầy đủ, dẫn tới những hiểu nhầm.
Mong bạn nhớ rằng, bạn không cô độc và không ai muốn bỏ bạn lại phía sau.