“Ông chú súng nước”, “Ảnh súng nước đâu”,... hẳn là những câu đùa vô cùng quen thuộc của khán giả khi nhắc về nam diễn viên Leonardo DiCaprio. Bỏ qua những hình ảnh hài hước khiến người khác không thể ngừng cười, thậm chí được sửa thành những meme dùng trong bình luận trên không gian mạng, Leonardo DiCaprio vẫn là một biểu tượng đa sắc của điện ảnh Mỹ. Điều gì đã khiến Leonardo DiCaprio nổi tiếng và luôn được lòng khán giả, bạn diễn và các nhà làm phim? Liệu mọi thứ hào quang chỉ là vì nét nhan sắc đa tình và đôi mắt hút hồn? Ở Leonardo DiCaprio có những tố chất mà bất cứ diễn viên nào muốn thành công cũng phải học hỏi. Những tố chất ấy là thứ giúp cho nhan sắc và tài năng của Leonardo DiCaprio có thể vươn tới đỉnh cao và ghi dấu với những vai diễn vượt dòng thời đại. Cùng WeStudy tìm kiếm những điều đó nhé!

Vượt Bóng “Chàng Thơ” 

Chàng thơ - những chàng trai của chủ nghĩa lãng mạn, những hiện thân dung chứa hình mẫu của biên kịch, khán giả, đạo diễn trong các mối tình. 

Danh hiệu “chàng thơ” được dành cho Leonardo DiCaprio không chỉ bởi vẻ ngoài điển trai mà còn bởi những nét diễn rất tình. So với những diễn viên cùng thời, Leonardo DiCaprio mang một vẻ đẹp rất riêng với đôi mắt hút hồn, gương mặt được tạo khắc như hoàng tử bước ra từ truyện cổ tích. Chính vì thế, Leonardo DiCaprio đã vô cùng thành công trong những vai diễn Romeo (Romeo & Juliet), Jack (Titanic). Hai vai diễn này đã đưa tên tuổi “chàng thơ” Leonardo DiCaprio vụt sáng, trở thành gương mặt nghệ thuật được các đạo diễn tìm kiếm. 

Romeo and Juliet: The Balcony Scene - Engelsk - NDLA

Phim Romeo & Juliet

Thế nhưng, Leonardo DiCaprio mang nét thơ nhưng không đóng khung mình trong vùng thơ ấy. Nhắc đến Leonardo DiCaprio, tờ  The Hollywood Reporter đã không tiếc lời khen ngợi: “Không giống những diễn viên thiếu phong độ ổn định như Will Smith, Jennifer Lawrence hay Robert Downey Jr., Leonardo DiCaprio ngồi trên đỉnh của Hollywood mà không cần xuất hiện trong một bộ phim siêu anh hùng hay các thương hiệu điện ảnh gây tiếng vang từ trước. Bản thân Leo chính là một thương hiệu”.

Lời khen này không phải là một lời tâng bốc, bởi vì Leonardo DiCaprio chính là một điển hình để cho những diễn viên, những người yêu và muốn theo đuổi kỹ năng diễn xuất cần phải học hỏi. 

Leonardo DiCaprio không “ngủ quên” trong hào quang của “chàng thơ”, không “đóng khung” với những nét thơ dịu dàng mà các tác phẩm điện ảnh đã định hình trước đó. 

Xem thêm: Chuyện Sáng Tạo: Đừng Nhầm Lẫn Giữa Công Thức Với Khuôn Mẫu 

Càng về sau, các tác phẩm càng chứng tỏ độ “chịu chơi” với nghề diễn xuất của Leonardo DiCaprio, không ngừng thử sức ở những nhân dạng, tính cách khác nhau. Chính tinh thần này đã tạo ra hàng loạt những tác phẩm để đời cho Leonardo DiCaprio và thỏa mãn sự thưởng thức của tác giả. Những tác phẩm điện ảnh tạo ra ấn tượng mạnh như Catch Me If You Can, The Great Gatsby, The Wolf of Wall Street, The Revenant, v.v..

Nghệ sĩ đổi mặt - tiêu chuẩn diễn viên cần thiết 

Như đã nhắc tới trước đó, mỗi một lần xuất hiện, Leonardo DiCaprio đều mang đến một cái nhìn vô cùng mới lạ cho khán giả. Thay vì chờ đợi những lời đánh giá, hoặc an toàn trong cái hình mẫu chàng thơ, Leonardo DiCaprio đã tạo ra một “thương hiệu” cho riêng mình, để khi người ta nhắc đến mình, không phải bằng một cái khung mẫu, mà bằng chính cái tên Leonardo DiCaprio. 

Tiêu chuẩn của Leonardo DiCaprio chính là tiêu chuẩn cần thiết cho diễn viên hiện nay:

1. Thoát khỏi vùng an toàn

Đối với những diễn viên mới, diễn viên trẻ, bên trong họ có khao khát nhưng đồng thời cũng tồn tại sự sợ hãi. Nếu bạn xuất hiện lần đầu vô cùng thành công với vai diễn A, được khán giả tán tụng như là xé sách bước ra, thì liệu bạn có muốn đến với vai B - một vai có thiết lập trái ngược hoàn toàn hay không? Điều này đòi hỏi sự can đảm và dám thử thách bản thân. 

Chính Leonardo DiCaprio đã tự rũ bỏ hình ảnh mà công chúng đang vô cùng yêu thích, sẵn sàng trở thành một gã phỉnh phờ trong Catch me if you can. Ở vai diễn này, Leonardo DiCaprio đã thay đến hơn 100 bộ đồ, “đổi mặt” ở vô số nghề nghiệp như bác sĩ, luật sư, phi công,... Điểm khó trong Catch me if you can trước tiên là sự biến hóa liên tục, phải không ngừng thay đổi nghề nghiệp, thậm chí tâm lý cảm xúc nhân vật cũng có sự biến động không ngừng, phải lột toát được nỗi cô đơn và thích thú trong cùng một thể gương mặt. 

2. Thái độ kính nghiệp

“Kính nghiệp” là một thuật ngữ khá hiện đại, thể hiện thái độ tôn trọng nghề nghiệp. Trong diễn xuất, “kính nghiệp” được coi là thước đo quan trọng đánh giá nhân cách và tài năng của một nghệ sỹ. 

Trong làn sóng điện ảnh rầm rộ hiện nay, rất nhiều diễn viên bộc lộ thái độ không kính nghiệp, ví dụ:

- Không nghiên cứu kịch bản kỹ lưỡng, không xác định chính xác phong thái nhân vật thể diễn. 

- Không tôn trọng quy cách làm việc chung của đoàn phim. 

- Sợ cảnh NG, sợ đóng những vai phải tự mình “lăn xả”. 

Phim của Leonardo DiCaprio The Revenant chiếu ở Việt Nam đúng dịp Tết |  VTV.VN

Ví dụ, trong bộ phim The Revenant, tài tử Leonardo DiCaprio đã tự mình trải nghiệm cuộc sống hoang dã trong rừng, ngâm mình dưới sông băng, ngủ trong xác động vật thối và ăn gan bò sống. 

Xem thêm: Method Acting - Cảnh giới thách thức năng lực diễn viên

Đây là thái độ đầu tiên mà bất cứ ai yêu thích diễn xuất và muốn trở thành diễn viên chuyên nghiệp cũng đều phải có. 

3. Hòa tan vào thiết lập nhân vật 

Một hiện tượng nữa đang tồn tại ở các diễn viên hiện nay là không thể hiện được thiết lập nhân vật theo kịch bản. Chính vì vậy, khi bước vào set quay, đối với yêu cầu của cảnh quay, diễn viên không thể đáp ứng được. Hãy tưởng tượng một bộ phim, đến cảnh gia đình ly tán trong chiến tranh, cảm xúc được thiết lập cho nhân vật là sự đau đớn, hoảng loạn, mất phương hướng do không còn gia đình nữa. Nhưng diễn viên lại chẳng lột tả được cảm xúc đó ra, thì cảnh quay sẽ trở nên hời hợt, không thỏa mãn được tầm nhìn và tầm cảm của khán giả. 

Hiện nay, điện ảnh là một lĩnh vực thương mại có khả năng kiếm bộn tiền. Cũng chính vì được thương mại hóa, điện ảnh đã dung túng cho sự ra đời của một lứa diễn viên thiếu năng lực diễn xuất. Kinh nghiệm có thể trau dồi vun đắp, còn năng lực truyền cảm, kỹ thuật thực diễn là thứ buộc phải học và luyện tập. Thế nhưng, rất nhiều “idol” dựa vào đoàn đội mạnh, dựa vào tài nguyên dồi dào, lấn sân điện ảnh và được gắn mác diễn viên. Điển hình cho những vai diễn đơ có tiếng của làng phim Trung phải kể đến Vương Nhất Bác với gương mặt không thể hiện cảm xúc, Dương Siêu Việt với đôi mắt từ chối chiều theo phân cảnh,... Ở Việt Nam, thời điểm bộ phim nổi đình đám bên Hàn là Hậu duệ mặt trời được remake lại, Khả Ngân đã bị chê bai về khả năng diễn xuất: diễn không tới cảm xúc nhân vật, ánh mắt thất thần, không có nhiều sự điều chỉnh về cảm xúc, thần thái, v.v.. Sau đó, với bộ phim 11 tháng 5 ngày, cô đã vớt vát được phần nào lời chê của khán giả, nhưng đến với Good Doctor remake và gần đây nhất là Gia đình mình vui bất thình lình, diễn xuất của cô nàng lại khiến công chúng tỏ ra thất vọng. Trong Gia đình mình vui bất thình lình, phong thái của Khả Ngân rất hợp vào vai cô nàng nhà giàu kiêu ngạo, mạnh mẽ, trẻ trung và cá tính. Tuy nhiên, đối với những phân cảnh cần cảm xúc, điển hình như các cảnh khóc thì lại khiến người xem hụt hẫng. 

Gợi ý: Kịch sân khấu: Lời phản hồi về năng lực diễn viên

Vậy, diễn viên cần phải làm gì? Đó là hòa tan vào nhân vật được thiết lập, để nhân vật đó sống dậy một cách chân thực nhất. Trong giới điện ảnh, có không ít những diễn viên gặp tình trạng chưa thoát vai sau khi cảnh quay kết thúc. Đó là bởi họ thực sự coi mình có một cuộc đời khác - cuộc đời nhân vật - sống như thế bản thân là nhân vật. Tức là, diễn viên phải hiểu sâu sắc kịch bản của bộ phim, hiểu được cuộc đời, tính cách của nhân vật đảm diễn cũng như các mối liên hệ của nhân vật. Nhưng không phải là hiểu rồi để đấy, hiểu xong phải tập, tập trước gương, tập với bạn diễn, tập cho người khác xem và đánh giá. Diễn viên không thể tự hài lòng, mà cần tìm kiếm các nhận xét khách quan, các góp ý chuyên môn.

Có như thế, những hoạt diễn thể hiện ra ngoài mới có độ chân thực, có chiều sâu chứ không phải là dựa vào thoại, vào nhạc phim, bối cảnh để cho người xem biết cảm xúc nhân vật. 

Watch: Leonardo DiCaprio Loses His Cool in Two New 'Great Gatsby' Trailers  – IndieWire

The Great Gatsby bản thể là một tác phẩm văn chương giàu tính biểu tượng của nhà văn F.Scott Fitzgerald. Có người gọi nó là câu chuyện giấc mơ phù du và ám ảnh của nước Mỹ sau khi tất cả những cái gọi là huy hoàng nhất đã sụp đổ trong thập niên 1920. Về mặt văn chương, hiển nhiên F.Scott Fitzgerald đã làm tốt trong công cuộc tái hóa những chi tiết, tô vẽ những biểu tượng để bồi đắp cái dụng ý của mình. Về mặt điện ảnh, Leonardo DiCaprio đã thỏa mãn được hình dung của khán giả về một Gatsby bước ra từ trong tiểu thuyết. Những lãng mạn ngây thơ, sự thể hiện tình yêu chân thành tuyệt đối, những che đậy của một kẻ có quá khứ lấm lem bẩn thỉu, tất cả đều được toát ra từ ánh mắt và cử chỉ của Leonardo DiCaprio - Gatsby. Hình ảnh Gatsby nâng ly mỉm cười vẫn là một hình ảnh kinh điển trong sự nghiệp diễn xuất của Leonardo DiCaprio nói riêng và trong lịch sử điện ảnh nói chung. 

Thế nhưng, khi phim đóng máy, Leonardo DiCaprio không sống trong bóng dáng của Gatsby. Tài tử Hollywood có thể dừng ánh hào quang đó và thể nghiệm bản thân trong những địa hạt mới. Đây chính là một “thương hiệu” điện ảnh mà các diễn viên có thể học hỏi. Quan trọng hơn hết, Leonardo DiCaprio không nhận hai bộ phim trong một năm, tập trung làm tốt nhất có thể cho một dự án đến khi nó hoàn thiện. 

Nam Cao từng viết trong tác phẩm Đời thừa rằng: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là bất lương…”. Để trở thành một diễn viên, bạn cần rèn luyện nhân cách, thái độ, tinh thần cho thật sâu sắc và chú ý đến rèn luyện kỹ năng chuyên môn một cách toàn vẹn, chứ không phải chỉ chăm chăm nghĩ đến những diễn viên đóng thế.