“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã nghĩ rằng có nhiều việc có thể được thực hiện tốt hơn bằng cách nào đó. Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi theo đuổi ngành cơ khí, và mẹ tôi luôn cho rằng tôi là một thợ máy bẩm sinh.” 

Henry Ford (1863 - 1947), người được mệnh danh là "vua ô tô Mỹ"

Những Năm Đầu Đời 

Đa phần các bài viết đều đề cập tới xuất thân của Henry Ford như một người nông dân, do vậy đã có không ít hiểu lầm về gia thế của ông vua xe hơi Mỹ. Ford đúng là đã sinh ra trong một gia đình làm nông, nhưng ông bà thân sinh Ford sở hữu cả một trang trại thịnh vượng tại Michigan. 

Là cậu con trai cả trong tổng số 6 người con, ông bà Ford đã mong Henry sẽ lớn lên và tiếp quản trang trại của gia đình. Trái lại, ngay từ nhỏ, cậu đã ghét cay ghét đắng việc đồng áng và hiếm khi phụ cha thu hoạch mùa màng. 

Mối quan tâm chính của Ford thời thơ ấu là máy móc. Năm 12 tuổi, ông học được cách khởi động và điều khiển một chiếc máy động cơ hơi nước. “Chính điều đó đã cho tôi thấy rằng tôi là một kỹ sư từ trong bản năng,” ông nói. 

 

“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã nghĩ rằng có nhiều việc có thể được thực hiện tốt hơn bằng cách nào đó. Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi theo đuổi ngành cơ khí, và mẹ tôi luôn cho rằng tôi là một thợ máy bẩm sinh.” 

— Henry Ford 

 

Henry đem theo sự say mê đó về nhà. Bước sang tuổi thanh niên, cha tặng ông một chiếc đồng hồ đeo tay. Khi 15 tuổi, Ford tự tin có thể “làm mọi việc liên quan đến sửa chữa đồng hồ” bằng những dụng cụ hết sức thô sơ.  

Giã Từ Trang Trại 

Sự kiện bà Mary Ford qua đời năm 1876 giáng một đòn tâm lý nặng xuống cậu con trai Henry. Vốn không tha thiết chuyện đồng áng, sự ra đi của mẹ đồng nghĩa với việc sợi dây liên kết duy nhất giữa ông và trang trại đã bị cắt đứt. 

Sau này nhớ lại, ông nói: “Tôi không bao giờ có bất kỳ một tình cảm đặc biệt nào với trang trại. Chính mẹ tôi ở trang trại mới là điều tôi yêu quý.” 

Rời trường học vào năm 17 tuổi, Ford vào học việc tại Nhà máy Động cơ Drydock thuộc Detroit cách đó 9 dặm. Học việc xong, Ford trở về trang trại dưới tư cách một người đàn ông đã có gia đình. Vợ ông là Clara Bryant, một phụ nữ chăm chỉ và thậm chí còn “tự tin vào triển vọng của chồng hơn chính bản thân anh ta”. 

Cặp vợ chồng trẻ tự kiếm sống bằng cách lao động ở trang trại và cùng lúc Ford điều hành một xưởng cưa, đúng hơn là “phòng sáng tạo” — nơi ông mày mò mọi thứ có thể về cơ khí. 

Thành Tựu Đầu Tiên 

Một tháng sau khi Edsel Ford, người con duy nhất của ông bà ra đời vào năm 1888, Henry được bổ nhiệm vào vị trí kỹ sư trưởng tại Công ty Điện Detroit. 

Tự mở một xưởng máy sau nhà, ông đi làm vào ban ngày, dành trọn buổi tối và cả ngày thứ bảy mày mò chế tạo động cơ mới. Năm 1896, với sự giúp đỡ của vài người bạn, Henry Ford hoàn thành mẫu xe ô tô đầu tiên “từ các ống thừa của động cơ hơi nước” mà ông nhặt nhạnh được. Chiếc xe được đặt tên là Quadricycle. 

Thiết kế nguyên bản của mẫu Quadricycle 

Gắn bó với Edison Illuminating gần 11 năm, chàng kỹ sư Ford lúc này đứng trước hai ngả đường. Đó có vẻ không phải một quyết định quá khó khăn, nhưng là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông. 

 

“Ở Edison Illuminating, tôi đã có cơ hội được quyền quản lý toàn bộ công ty với điều kiện phải từ bỏ động cơ chạy bằng xăng để chuyên tâm vào công việc hữu ích hơn. Điều này khiến tôi phải đứng trước sự lựa chọn giữa công việc với cơ hội thăng tiến đang rộng mở và niềm say mê ô tô của mình. Cuối cùng, tôi đã chọn ô tô và thôi việc, thực ra tôi chẳng có sự lựa chọn nào khác bởi tôi biết rằng chính ô tô sẽ mang lại thành công cho tôi.” 

— Trích "Henry Ford: Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của Tôi" 

 

Henry Ford thôi việc vào ngày 15 tháng 8 năm 1899, từ đây chính thức bước vào lĩnh vực kinh doanh ô tô đầy hứa hẹn nhưng cũng không ít chông gai. 

Con đường trải dài trước mắt ông. Hành trình của “người dạy dân Mỹ lái ô tô” lúc này mới thực sự bắt đầu. 

Khởi Nghiệp Thất Bại 

Quadricycle có thể coi là thất bại đầu tiên của Henry Ford dưới tư cách một kỹ sư ô tô vì thiết kế quá nhỏ và chưa hoàn thiện để sản xuất trên quy mô lớn. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư sớm nhận thấy tiềm năng sinh lời của mẫu xe này. 

Một trong những nhà đầu tư đó là Thomas Edison. Tận dụng tầm ảnh hưởng của mình, Edison giúp thu hút nhiều nhà đầu tư khác và cùng nhau, họ thành lập nên Detroit Automobile vào tháng 8 năm 1899. 

Henry Ford và Thomas Edison đã trở thành bạn thân trong suốt cuộc đời dù Edison hơn Ford tới 20 tuổi 

Trong cửa hiệu nhỏ bé bằng gạch của mình, Henry Ford miệt mài ngày đêm thử nghiệm và tính tới thời điểm thành lập Công ty Ford Motor, ông đã thiết kế tổng cộng 25 chiếc ô tô. Tuy nhiên, tất cả hầu như chỉ là phiên bản thử nghiệm, là quá trình phá bỏ lớp kén để sâu lột xác thành bướm. 

Dù các cổ đông hết lòng kỳ vọng, Henry Ford vẫn không thể đưa ra sản phẩm mới sau một năm rưỡi mày mò. Ban giám đốc dần mất hết niềm tin, cho rằng Ford chỉ chăm chăm cải tiến thiết kế chứ chẳng mấy đoái hoài tới lợi nhuận. Vì vậy, đến đầu năm 1901, Detroit Automobile giải thể sau 18 tháng hoạt động. 

“Vẫn Có Thể Tốt Hơn Nữa” 

Ngành ô tô lúc này đã chuyển từ thời kỳ sơ khai là khi người ta chỉ cần nó có thể chạy là đủ, sang thời kỳ người ta đòi hỏi với tốc độ. Các cuộc đua xe là cách quảng cáo duy nhất có thể thu hút sự chú ý của mọi người, vì nếu không nhanh thì đơn giản là họ chẳng bận tâm mấy. 

Nhằm khôi phục lại niềm tin với ban giám đốc nhưng thực ra chủ yếu là để có cơ hội tiếp tục các thử nghiệm của mình, Ford mày mò làm ra một chiếc xe đua chạy bằng động cơ hai xi-lanh nhỏ gọn hơn, có thể đạt vận tốc tối đa 96km/giờ. 

Ông sẵn sàng thách thức Alexander Winton, người chế tạo xe ô tô Winton và nghiễm nhiên là tay đua đỉnh nhất bấy giờ. Đó là lần cạnh tranh đầu tiên của Ford, và ông thắng. 

Trận đua giữa Ford và Winton đầu năm 1901 

Với thành tích này, ban giám đốc trao cho Henry Ford thêm một cơ hội. Cuối năm 1901, Công ty Henry Ford được thành lập và Ford sở hữu một phần sáu cổ phần — trị giá 100.000 đô la (tương đương 3,59 triệu đô la ngày nay). 

Mặc dù trở nên nổi tiếng, thành công vang dội này không đủ sức làm lung lay triết lý “vẫn có thể tốt hơn nữa” của Henry Ford. Với tham vọng làm ra chiếc xe nhanh nhất thế giới, ông bắt tay ngay vào công cuộc thiết kế loại mô tơ bốn xy-lanh. 

Nhưng “đó không phải chuyện một sớm một chiều mà xong được”, Ford thừa nhận. Một lần nữa, các cổ đông lại đứng ngồi không yên. Chẳng lẽ tên Henry Ford này định thử thách lòng kiên nhẫn của chúng ta hay sao? 

Henry Ford, gã kỹ sư cứng đầu với sứ mệnh “cải tiến” đó, bị buộc phải rời công ty chỉ sau chưa đầy một năm với 900 đô la (gần 32.000 đô la hiện nay) trong túi. Công ty này sau đổi tên thành Cadillac dưới quyền sở hữu của nhà Leland. 

Vậy là vào năm 1902, Henry Ford cùng vợ con chuyển tới một căn hộ nhỏ ở khu Park, nơi ông tiếp tục đâm đầu vào thử nghiệm và “khám phá ra kinh doanh thực sự là gì”. 

>>> Henry Ford: 5 Bài Học Để Tư Duy Khác Biệt Như Ông Vua Xe Hơi Mỹ 

Công Ty Ford Motor Ra Đời 

Năm 1903, Henry Ford cùng 11 nhà đầu tư khác rót 28.000 đô la (gần 1 triệu đô la ngày nay) tiền vốn lập ra Công ty Ford Motor. Đích thân Ford đã lái thiết kế xe mới nhất của mình xuyên một dặm mặt băng hồ St. Clair chỉ trong 39,4 giây. 

Sự kiện này đã thiết lập một kỷ lục mới trong giới đua xe, và đã thu hút tay đua nổi tiếng Barney Oldfield cầm lái chiếc xe này chạy vòng quanh nước Mỹ — nhờ đó mà thương hiệu Ford trở nên nổi tiếng toàn quốc. 

Phải mất tận 5 năm (1903 – 1908), sau 8 mẫu xe Model A, B, C, F, K, N, R, và S không mấy thành công, Ford mới đưa ra được phiên bản Model T huyền thoại và tạo ra một cuộc các mạng ngành công nghiệp ô tô.

Và phải mất thêm 5 năm tiếp theo, đến 1913, ông mới hoàn thiện dây chuyền sản xuất để đạt được quy mô cần thiết. Đến năm 1918, một nửa số xe tại Mỹ là Model T. 55 tuổi, Henry Ford biến Detroit thành thành phố lớn nhất và thịnh vượng nhất nước này.

Henry Ford cùng mẫu xe Model T kinh điển 

Sau những cố gắng không ngơi nghỉ, Henry Ford đáng ra đã có thể yên phận điều hành đế chế của mình. Nhưng không, đến những năm 1920, ông lại gặp một thách thức đáng gờm mang tên Chevrolet. 

Trong khi Ford cày cuốc 20 năm mới ra một một mẫu xe, Chevrolet cho xuất xưởng mẫu xe mới hàng năm với thiết kế ngày càng ưu việt hơn. Kết quả là Chevrolet ngốn hết thị phần, buộc Ford phải sa thải hàng nghìn công nhân vào năm 1927.

Ở tuổi 64, vị chủ tịch già phải quay lại điểm xuất phát: tạo ra một mẫu xe mới. 

Với nhiều nỗ lực, ông đưa ra một phiên bản hoàn toàn mới của mẫu xe Model A, và đem lại thành công cho công ty. Nhưng chỉ 3 năm sau, đến 1931, doanh số bán hàng lại giảm mạnh vì cuộc Đại khủng hoảng.

Phiên bản Model A sau cải tiến 

Trong khi đó, mẫu ô tô động cơ 6 xi-lanh mới của Chevrolet thu hút hết khách hàng. Một lần nữa, Ford phải dừng sản xuất, cho công nhân thôi việc và quay về bàn thiết kế. Và cũng một lần nữa ông đưa công ty về vị trí số 1 khi ra mắt Ford V-8, chiếc xe động cơ 8 xi-lanh.

Tạm Biệt Henry Ford — Người Đã Dạy Dân Mỹ Lái Xe 

Khoảng thời gian sau đó, vì sức khỏe giảm sút, ông giao trách nhiệm quản lý công ty cho người con trai duy nhất, Edsel Ford. Đến năm 1943, Edsel bị bệnh qua đời và ở tuổi 80, Henry Ford phải quay lại điều hành công ty cho đến khi người cháu trai về tiếp quản. 

Henry Ford cùng con trai duy nhất Edsel Ford 

“Vua xe hơi” qua đời 4 năm sau đó vì xuất huyết não. Hàng nghìn người đến viếng ông, các nhà máy đóng cửa trong khi hàng triệu công nhân mặc niệm tưởng nhớ người đã dạy dân Mỹ lái xe.

Bạn đọc thân mến, nếu bạn từng nghe câu “Mỗi khi thấy khó khăn, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh ngược chiều gió” thì tôi xin tiết lộ với bạn rằng: Henry Ford chính là tác giả của câu nói đó. 

 

“Thất bại đơn giản là một cơ hội để bắt đầu lại — lần này thông minh hơn.” 

— Henry Ford 

 

Giữa một rừng nhan nhản những công ty đang hăm hở đuổi theo đồng tiền, gã kỹ sư trầm lặng Henry Ford vẫn lãnh đạm một mình trong căn phòng đầy rẫy thứ đồ “thử nghiệm”, như một gốc trường xuân hiên ngang trước gió. 

“Sao cứ phải tiếp tục làm gì?” Bacall từng hỏi. 

“Vì có quá nhiều người bảo tôi dừng lại,” gốc trường xuân trả lời. 

Các bài viết cùng chủ đề

#1. William Wrigley Jr: Người Đàn Ông Với Những Ý TƯỞNG LỚN Đi Trước Thời Đại. Wrigley không phát minh ra kẹo cao su. Ông cũng chẳng sản xuất chúng, đối tác lo chuyện đó. Việc của ông là bán kẹo cao su, và ông đưa nó lên tầm thượng hạng.

#2. Làm Thế Nào Một Thương Hiệu Lốp Xe Được Xem Là Nhà Phê Bình Ẩm Thực Lớn Nhất Thế Giới? Gordon Ramsay bị tước mất 2 sao Michelin và ông cảm thấy như "mất đi người bạn gái".

#3. Cuộc Đời Vua Dầu Mỏ John D. Rockefeller (Phần 1): Nỗi Ám Ảnh Với Tiền Bạc. Là “một trong hai người quan trọng nhất đóng góp cho việc kiến thiết thế giới hiện đại” như lời triết gia Bertrand Russell, thế nhưng gần như cả cuộc đời, tỷ phú dầu mỏ John Rockefeller lại bị coi như kẻ phản diện vĩ đại nhất trong giới kinh doanh mà nước Mỹ đã tạo ra. 

#4. A. P. Giannini Và Hành Trình Xây Dựng Đế Chế Ngân Hàng Hoa Kỳ Từ Đống Tro Tàn. Bank of America chính là ngân hàng cho ra mắt thẻ tín dụng đầu tiên trên thế giới với tên gọi BankAmericard, tiền thân của thẻ VISA ngày nay.