Những điều mà người sáng tạo nội dung muốn làm
Sáng tạo là yếu tố tiềm tàng bên trong mỗi con người, và họ sẽ sáng tạo trong ngành nghề mà họ đang theo đuổi. Bài viết này sẽ chỉ để đề cập đến nhóm người sáng tạo nội dung, hay còn được gọi với cái tên Content Creator.
Content Creator là những người cầm giữ chất liệu cuộc sống, sử dụng tiềm năng sáng tạo của bản thân như một “vị thuốc dẫn” để tạo ra những “viên nang” phục vụ cho đời sống văn hóa tinh thần quốc dân. Những “viên nang” có thể là những câu chuyện kể, những bức tranh, những podcast, hoặc video ngắn, video dài,... Ở thời điểm hiện tại, khi khoa học công nghệ có bước phát triển mạnh mẽ, Internet phủ sóng khắp nơi, những người sáng tạo nội dung hoạt động mạnh mẽ trên mọi nền tảng. Họ xuất hiện từ Facebook, Instagram cho tới Youtube, Tiktok, Spotify và trong tương lai, có thể sẽ mở ra những nền tảng mới khác nữa.
Trong quá trình sáng tạo, họ vừa phải khẳng định cá tính, vừa phải thỏa mãn phần nào đó thị hiếu, tâm lý, nhu cầu của người xem. Bởi vì mục đích cuối cùng của các sản phẩm sáng tạo đó là được đón nhận bởi khán giả. Hiển nhiên, không thể dùng số lượng khán giả để đánh giá hoàn toàn chất lượng nội dung. Thế nhưng, những gì khán giả nhận xét, và số lượng khán giả tăng dần đều vẫn là thước đo cơ bản nhất cho những người sáng tạo nội dung.
Vì thế, những người bắt đầu bước vào con đường sáng tạo nội dung đều có chung những mục tiêu:
- Tạo ra sản phẩm có dấu ấn cá nhân, có tính sáng tạo, có sự độc đáo, hạn chế lặp lại những gì người khác đã làm.
- Tạo ra sản phẩm được đông đảo khán giả đón nhận và thu về được những phản hồi tốt.
- Tạo ra sản phẩm có giá trị lâu dài, không phải để thỏa mãn cái nhất thời và ích lợi ngắn hạn. Giống như cách nói, khi bạn rời đi, người ta sẽ không bao giờ quên được những gì bạn đã làm và họ sống với những gì bạn đã tạo ra. Hãy nhìn vào những tác phẩm văn học, hội họa, âm nhạc kinh điển, và nhớ rằng khi sáng tạo nội dung, không chỉ vì mục đích duy nhất là độ tương tác nhất thời.
Không phải văn hay chữ tốt mới thành Content Creator, vì có những video không cần ai nói, ai kể vẫn được hàng triệu người yêu thích. Sáng tạo nội dung không hỏi bạn là ai, mà nó hỏi bạn làm được gì và làm ra sao. Đó cũng là điều mà những người sáng tạo phải ghi nhớ.
Bạn có thể làm những gì bạn thích, kể điều bạn muốn nói, nói điều bạn muốn thế giới biết,... nhưng cái vùng tự do bạn bay nhảy vẫn phải gắn kết với những con người xung quanh. Bạn sáng tạo nhưng bạn vẫn cần biết người đọc người nghe quan tâm đến điều gì. Bạn sáng tạo nhưng bạn vẫn cần biết cách nắm bắt tâm lý của họ. Vậy nên, người đón nhận sự sáng tạo của bạn là tất cả những người sáng tạo khác, những con người xã hội.
Những nỗi sợ người sáng tạo nội dung chưa kể
Nỗi sợ hãi là chuyện hoàn toàn bình thường trong cuộc sống này. Có người vì từng ngã ao mà sợ nước, có người vì không thích một mùi vị nào đó mà sợ món ăn đó cả đời. Vì thế, không nên phân biệt hay coi thường, so sánh nỗi sợ nào với nỗi sợ nào.
Được nghìn like vẫn thấy sợ sao? Đó không phải là chuyện lạ của người sáng tạo nội dung. Nhóm các Content Creator giống như một xã hội thu nhỏ, và các nền tảng để sáng tạo giống như những căn nhà lớn có vô số kiểu người với các thế mạnh khác nhau. Vì thế, dù không nói, thì các Content Creator vẫn có những nỗi sợ hãi kể cả thành công hay thất bại.
Sợ không ai xem sản phẩm của mình
Thực ra, khi vừa mới bắt đầu, không có bất kỳ Content Creator nào dễ dàng cả. Hiện nay, hoạt động sáng tạo nội dung đã trở nên phổ biến, cạnh tranh nội dung trên các nền tảng cũng rõ nét hơn. Vì thế, những người sáng tạo nội dung luôn tràn ngập nỗi lo “không có người xem”.
Nhưng, hãy nghĩ xem, nếu như không có một lượng người theo dõi nhất định, chưa từng xuất hiện hay được giới thiệu trên những sản phẩm khác có nhiều người xem, thì khi sáng tạo ra sản phẩm đầu tiên, chẳng phải cũng không có ai theo dõi ngoài chính mình hay sao.
Những youtuber rất nổi tiếng như Khoai Lang Thang, Trinh Phạm, Con Thỏ,... cũng bắt đầu từ những người theo dõi rất ít đấy thôi. Thế nhưng, bây giờ, vị trí của họ trên youtube, lời nói của họ trên Facebook, Instagram có rất nhiều người hưởng ứng. Họ thành công vì họ đã tạo được dấu ấn của mình và họ kiên trì làm.
Khi bạn sợ không ai xem, thì đừng ngại mà hãy giới thiệu nội dung của mình trong các group phù hợp, gửi bạn bè xem để nhận xét. Chẳng có cách nào ngoài việc chúng ta không từ bỏ, và sáng tạo hơn nữa để thoát khỏi nỗi sợ.
Sợ đánh mất bản thể cá nhân
Hiệu ứng đám đông là một cây đũa thần, nhưng cũng có thể trở thành con dao.
Ban đầu, hiệu ứng đám đông sẽ giúp hình ảnh của bạn được lan tỏa tới nhiều người và càng ngày càng nhiều hơn nữa. Sự tồn tại của Internet là phương tiện giúp cho bạn dễ dàng xuất hiện trên trang cá nhân của từng cá thể, đến từng group có mật độ thành viên khác nhau. Khi đám đông hài lòng và yêu thích bạn, hiển nhiên, bạn sẽ trở thành một người truyền cảm hứng.
Nhưng không vì thế mà xác suất biến thành con dao của nó mất đi. Hiệu ứng đám đông có một nhược điểm vô cùng lớn, là chi phối chính kiến và bão hòa cá tính. Ví dụ, bạn thấy thiết kế mới nhất của cửa hàng này không hề đẹp, nhưng đám đông lại hết lời khen, lăng xê ở khắp mọi nơi, tự nhiên bạn cũng có xu thế thuận theo. Vì bạn nghĩ rằng, chắc tại mình không hiểu hết vẻ đẹp của nó, có khi nó đẹp thật thì sao, chậc, cứ theo họ thôi. Ngày nay, công chúng có trình độ học thức, có khả năng nhận diện đám đông, nhưng mức độ ảnh hưởng thì vẫn vậy.
Quay trở lại câu chuyện những người sáng tạo sợ đánh mất chính mình. Nếu như họ quá chiều lòng công chúng, công chúng muốn gì có đó, nói những lời mê hoặc mà công chúng muốn nghe, thì chẳng mấy chốc mà công chúng sẽ thấy chán vì không còn gì thú vị nữa. Nếu họ chăm chăm học theo những người đã có tiếng tăm trước đó mà không thay đổi, đưa vào cái sáng tạo cá nhân thì công chúng cũng sẽ phát hiện ra và bài xích. Nếu họ không giữ lập trường của mình, chấp nhận những kịch bản, yêu cầu mà công ty chủ quản, đối tác đưa ra thì họ sẽ đánh mất cá tính, và khi không sống đúng cá tính thì cũng không có đủ động lực, tình yêu để sáng tạo.
Nỗi sợ đánh mất chính mình này không thể hiện rõ ràng như những nỗi sợ khác, nhưng nó là tổng hợp của những trăn trở mà các Content Creator đang tự hỏi bản thân mỗi ngày.
Sợ những lời chê trách
Những người sáng tạo nội dung đôi khi không hoạt động một mình mà còn hoạt động với công ty chủ quản. Và trong nhóm nội dung hình ảnh, video, âm thanh thì vẫn còn nhóm nội dung đoạn viết.
Đây là những nội dung mà người sáng tạo có thể lộ diện hoặc không trực tiếp lộ diện. Những Content Creator này có người lãnh đạo trực tiếp và phê duyệt những nội dung họ tạo ra.
Trường hợp này họ sẽ chịu áp lực từ chính những người lãnh đạo.
“Tại sao video em làm không có tương tác?”.
“Bài viết này sao vậy em, chẳng ai like cả?”.
…
Và cũng có những lời chất vấn nặng nề hơn nữa. Thế nhưng, nội dung được tạo ra, không phải cứ đăng lên là sẽ có hiệu quả cao. Mọi nội dung khi đăng tải trên nền tảng đều chịu sự chi phối của hệ thống xử lý dữ liệu từ nền tảng đó, là điều mà người sáng tạo nội dung, và chính công ty chủ quản không cách nào chi phối được. Bởi thế, ở những môi trường không đủ sự bình đẳng trong tranh luận phản biện, nỗi sợ này của Content Creator cũng sẽ kéo dài dai dẳng.
Trừ trường hợp Content Creator tạo ra nội dung kém chất lượng, không nhắm trúng tâm lý khách hàng thì cần thiết phải xem lại những gì bản thân đã tạo ra.
Có những nỗi sợ bắt buộc phải tồn tại trong hành trình trưởng thành của chúng ta. Những người sáng tạo nội dung không nên ngại với những nỗi sợ, cũng không cần thiết phải che giấu chúng, vì dù đã thành công hay chưa thành công, những nỗi sợ ấy cũng sẽ không biến mất đi đâu cả.
Người đã thành công vẫn có thể sợ không ai xem mình nữa, sợ mình bị tụt lại trước sự sáng tạo cuồn cuộn không ngừng. Quan trọng nhất là không chìm vào nỗi sợ mà kéo theo nó để đi từ con đường đất trống trải cô đơn tới khu vườn nở đầy hoa thơm, cỏ êm nâng bước.