“Ăn mặc chỉnh tề và chải chuốt gọn gàng, Rockefeller là người đầu tiên đến và cũng là người cuối cùng rời văn phòng mỗi ngày.”

Ông là hình mẫu tiêu biểu, là sự pha trộn chuẩn mực giữa tính cần kiệm, tinh thần tự lực, chăm chỉ và dấn thân không mệt mỏi. Nhưng vì là người dám khinh thường cả Chính phủ và sẵn sàng “ăn sống” đối thủ của mình, ông cũng là hiện thân của vô vàn những việc xấu xa nhất. 

Dù đích thân Winston Churchill từng ca tụng Rockefeller là “hình mẫu lý tưởng nhất trong những người đàn ông giàu có”, cuộc đời của vị tỷ phú bí ẩn này vẫn dính một vết nhơ khó gột rửa, tới mức được coi là ác mộng của toàn nước Mỹ. 

“Người đàn ông bị cả châu Mỹ ghét”, ông đã làm gì vậy? 

John D. Rockefeller được xem là kẻ phản diện vĩ đại nhất mà thế giới kinh doanh Mỹ từng sản sinh ra.

Những năm học việc 

John D. Rockefeller nổi tiếng là người thận trọng, và khi động tới tiền bạc thì ông còn thận trọng hơn nữa. Tự gọi bản thân là “người đàn ông của những con số”, ông không thấy có gì buồn chán hay khô khan ở những chồng sổ sách cao ngất. 

Dù hình tượng của John D. Rockefeller thường bị thêu dệt nên như một người đàn ông thèm khát tiền bạc và của cải, tuy nhiên trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1908-1909 lại cho ta thấy một bộ mặt khác của vị tỷ phú. 

 

“Những người có đầu óc tích cực không nỗ lực chỉ vì đồng tiền – họ đang làm một công việc hấp dẫn. Duy trì sự say mê với công việc tốt hơn nhiều so với tích lũy tiền bạc.” 

— John D. Rockefeller 

 

>>> Cuộc Đời Vua Dầu Mỏ John D. Rockefeller (Phần 1): Nỗi Ám Ảnh Với Tiền Bạc

Tháng 9 năm 1855, John chi ra 1 xu để mua một cuốn sổ màu đỏ, ghi tên là Sổ A, trong đó ghi chép chi tiết thu nhập và chi tiêu của mình. Suốt phần đời còn lại, ông coi Sổ A là báu vật thiêng liêng nhất. 

Như trong Sổ A ghi rõ, ông đã bắt đầu tự lo được cho bản thân và không phụ thuộc vào cha mình nữa. Trong năm làm việc đầu tiên, John trích 6% thu nhập để từ thiện và tới năm 21 tuổi, số tiền đó đã vượt quá mốc 10%. 

Khởi nghiệp 

Nhận thấy mình không được trả lương xứng đáng và vì làm kế toán nên Rockefeller hiểu rõ công ty đang trên bờ vực phá sản, ông rời Hewitt & Tuttle vào năm 1858. 

Lúc này, ông cùng Maurice B. Clark, người từng là đồng môn tại trường Cao đẳng Thương mại E. G. Folsom, thành lập công ty Clark & Rockefeller chuyên buôn bán thực phẩm với tổng số vốn là 4.000 đô la – tương đương 72.000 đô la vào năm 1996. 

Theo sự phân chia công việc, Clark chịu trách nhiệm mua bán trong khi Rockefeller giữ sổ sách. Nhờ thói quen làm việc kỹ tính cũng như trí thông minh bẩm sinh, thành công của Rockefeller dường như đã được tiên đoán trước. 

“Ăn mặc chỉnh tề và chải chuốt gọn gàng, Rockefeller là người đầu tiên đến và cũng là người cuối cùng rời văn phòng mỗi ngày.” Rockefeller phát triển rất nhanh, kiếm bộn tiền mỗi năm trong quãng thời gian này. 

Dù là người phụ trách mảng sổ sách, tài thuyết phục của Rockefeller là không thể bàn cãi. Clark thừa nhận cộng sự của mình có tài vay tiền (điều mà Rockefeller học từ Bill và sau này sẽ là chủ đề chính trong những cuộc tranh cãi liên miên giữa ông và Clark), và vì luôn hoàn trả đúng hạn, các chủ ngân hàng đâm ra quý ông. 

Cuộc Nội Chiến nổ ra, Rockefeller từ chối gia nhập và thuê những người lính thay thế. Ông tập trung vào công việc làm ăn và chẳng mấy chốc, cuộc chiến tranh đã biến “chàng trai Rockefeller ở độ tuổi 20 thành một người giàu có, cho ông đủ vốn liếng để tư bản hóa một ngành công nghiệp mới mà sau này sẽ đơm hoa kết trái ở góc Tây Bắc Pennsylvania”: DẦU MỎ. 

Bắt đầu kinh doanh dầu mỏ 

Một phần chịu thuyết phục bởi viễn cảnh tươi đẹp mà Samuel Andrews, người được xem là nắm giữ bí quyết chưng cất dầu hỏa từ dầu thô, thứ ngày nay chúng ta gọi là “tinh lọc dầu”; một phần vì sức ép đến từ ba anh em nhà Clark, Rockefeller chính thức bước chân vào thị trường kinh doanh dầu mỏ. 

Địa điểm mà họ lựa chọn là Cleveland, nơi vận chuyển một phần tư sản lượng dầu hỏa ra nước ngoài. Kể từ ngày đó trở đi, cuộc sống của Rockefeller chỉ xoay quanh dầu hỏa. 

Ông thường đánh thức em trai mình, William vào lúc nửa đêm và nói: “Anh có một ý tưởng kinh doanh rất hay, em có bình luận nào không?”. “Giữ ý tưởng của anh tới sáng đi, em muốn ngủ.” William đáp lại. 

Sẵn sàng chỉ trích cộng sự không nể vì, mối quan hệ giữa Rockefeller và Clark tệ dần theo thời gian. Một cuộc đối đầu quyết định là điều không tránh khỏi. Rockefeller, lúc này 25 tuổi, sẵn sàng xóa sạch những rào cản đã và đang cản trở sự nghiệp đầu đời của mình. 

Mua lại công ty với cái giá 72.500 đô la, John D. Rockefeller chính thức giành quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu lớn nhất Cleveland. “Đó là ngày mang tính quyết định nhất trong sự nghiệp của tôi.” ông nói. Tên công ty được đổi từ Andrew, Clark & Co thành Rockefeller & Andrew. 

Nội Chiến kết thúc, các cựu binh đổ xô đi tìm việc và tất cả con mắt dồn về ngành dầu mỏ. Lúc này, dầu mỏ là vị Vua trong thế giới thương mại.

Và chẳng bao lâu nữa, John D. Rockefeller sẽ là vị Vua thống trị thế giới đó. 

Standard Oil ra đời 

Năm 1867, Rockefeller mời Henry M. Flager tham gia với tư cách là đối tác liên doanh. Ba năm sau, công ty Rockefeller, Andrew & Flager trực tiếp vận hành các nhà máy lọc dầu lớn nhất Cleveland. 

Nhận thấy việc kinh doanh ngày càng phát đạt, Rockefeller hợp nhất các cơ sở nhỏ lẻ thành một công ty mới, lấy tên là Standard Oil, đặt trụ sở tại Ohio vào năm 1870. 

Rockefeller, Andrew & Flager chính là tiền thân của Standard Oil Company. 

Suốt 10 năm sau đó, Standard Oil lần lượt “xóa sổ” các đối thủ cạnh tranh, “nuốt chửng” nhiều công ty khác tới mức năm 1879, một mình nó nắm giữ tới 90 – 95% trữ lượng dầu của Mỹ. 

Tháng 1 năm 1882, “con bạch tuộc” với 40 tập đoàn riêng biệt nằm trong bụng, một lần nữa tiến hóa dưới cái tên mới là Standard Oil Trust. 

Cuộc tàn sát Cleveland 

Vào thời điểm Standard Oil đang hoạt động, Cleveland (bang Ohio) đã là một trong năm trung tâm lớn nhất ở Mỹ. Bí mật mua lại các nhà máy lọc dầu của đối thủ cạnh tranh, đến trước năm 1873, gần như tất cả công trình lọc dầu tại Cleveland đều bị Standard Oil thâu tóm. 

Trong vòng chưa đầy 4 tháng, Standard Oil “nuốt chửng” đến 22 trên 26 đối thủ tại Cleveland. Sự kiện này được báo chí nhắc đến là “cuộc tàn sát Cleveland” (Cleveland Massacre), kết thúc vào tháng 4/1872. 

Standard Oil Trust đánh dấu khởi đầu một kỷ nguyên độc quyền công nghiệp thời hiện đại, được ví như con bạch tuộc với những chiếc vòi khổng lồ. 

Người ta nói rằng mỗi sáng thức dậy, túi tiền của Rockefeller lại phình to hơn. 

Giống như nhiều ông trùm của Golden Age (Thời Đại Vàng) như “vua sắt thép” Andrew Carnegie, “vua ngân hàng” J. P. Morgan, Rockefeller vừa được những người viết tiểu sử tôn vinh hết mực, vừa bị các nhà phê bình phỉ báng đầy cay độc.

Năm 1906, Chính phủ Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi Tổng thống Theodore Roosevelt khởi kiện Công ty Standard Oil chi nhánh New Jersey theo Đạo luật chống độc quyền Sherman (1890). 

Theo quyết định từ Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, Standard Oil Trust bị buộc phải thoái vốn thành 33 công ty nhỏ lẻ, hoạt động độc lập với nhau. 

Mặc dù đế chế Standard Oil đã bị giải thể, nhưng đến cuối thế kỷ 20, cái tên này cùng bộ não đứng sau nó, John D. Rockefeller đã đi vào lịch sử, theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. 

Tỷ phú đầu tiên của Hoa Kỳ 

Danh tiếng của John D. Rockefeller bị ảnh hưởng trầm trọng sau sự kiện trên, ông được công khai xưng tụng là một trong những kẻ tham lam, ác mộng của thương trường Mỹ và hơn cả, người đàn ông bị cả châu Mỹ ghét. 

Bất chấp như vậy, tài sản ròng của Rockefeller vẫn không ngừng tăng, do nhu cầu về dầu đột ngột tăng trở lại gắn với sự ra đời và phát triển của xe hơi. 

Vua xe hơi Henry Ford là người đã đẩy nhanh tiến trình giúp John D. Rockefeller trở thành tỷ phú. 

Túi tiền của ông cứ phình to, phình to mãi, cán mốc 1 tỷ đô la vào năm 1916 (489 tỷ đô la tính tới năm 2022) và vào thời điểm Rockefeller qua đời, tài sản của ông chiếm khoảng 1,5% GDP của Mỹ, theo Forbes

John Davison Rockefeller, từ một cậu bé nông thôn quê mùa, giành lấy danh hiệu “Vua dầu mỏ” khi mới ngoài 40 tuổi và trở thành tỷ phú đầu tiên của Hoa Kỳ ngay cả khi đã về vườn. 

Thiên thần và Ác quỷ 

Ngồi chễm chệ trên ngai vàng của đế chế do chính tay mình xây dựng nên, nhất cử nhất động của Rockefeller đều bị cánh báo chí, phóng viên và cả những chính trị gia soi mói. 

Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ hoàng kim đó – là tâm điểm của công chúng, và dù mỗi năm gần như lại có một cuốn sách về ông ra đời, John D. Rockefeller vẫn là một ẩn số khiến người ta phát điên – người luôn thu mình trong căn phòng sau những “tấm kính mờ”. 

Người đàn ông của những mâu thuẫn 

Ông là hình mẫu tiêu biểu, là sự pha trộn chuẩn mực giữa tính cần kiệm, tinh thần tự lực, chăm chỉ và dấn thân không mệt mỏi. Nhưng vì là người dám khinh thường cả Chính phủ và sẵn sàng “ăn sống” đối thủ của mình, ông cũng là hiện thân của vô vàn những việc xấu xa nhất. 

Cuộc đời John Davison Rockefeller là hai dải màu trắng đen đan xen, “một con người mà thiên thần và ác quỷ tồn tại chung dưới một hình hài” – nếu chúng ta tin là vậy. 

>>> Cuộc Đời Vua Dầu Mỏ John D. Rockefeller (Phần 3): Một Di Sản Đầy Mâu Thuẫn

Đọc thêm các bài viết khác 

#1. William Wrigley Jr: Người Đàn Ông Với Những Ý TƯỞNG LỚN Đi Trước Thời Đại. Wrigley không phát minh ra kẹo cao su. Ông cũng chẳng sản xuất chúng, đối tác lo chuyện đó. Việc của ông là bán kẹo cao su, và ông đưa nó lên tầm thượng hạng.

#2. Làm Thế Nào Một Thương Hiệu Lốp Xe Được Xem Là Nhà Phê Bình Ẩm Thực Lớn Nhất Thế Giới? Gordon Ramsay bị tước mất 2 sao Michelin và ông cảm thấy như "mất đi người bạn gái".

#3. Tàu Lặn Titan Phát Nổ Khiến 5 Người Thiệt Mạng: Cái Giá Phải Trả Cho Khát Khao Khám Phá Thế Giới. Nếu có gì để mong, hãy mong họ quan tâm nhiều hơn tới sự an toàn của bản thân khi dấn thân vào các hình thức du lịch mạo hiểm này. Còn dạy người giàu tiêu tiền thế nào ư, quên đi.