Nguyên tắc số 1: Ánh sáng tốt nhất
Bạn không thể kỳ vọng một chiếc điện thoại thông minh có thể chụp được trong bối cảnh trời tối, nguồn phát ánh sáng yếu,... Ngay cả khi bạn sử dụng chiếc điện thoại đời mới nhất, thì chất lượng ảnh cũng sẽ không thực sự hoàn mỹ. Vì thế, bạn cần lưu ý:
+ Ưu tiên chụp ở nơi có nguồn sáng mạnh, ánh sáng tốt.
+ Hạn chế đứng ngược sáng, vì vị trí này sẽ làm chủ thể bị chạy sang màu đen, và bị lóa khung hình. Đặc biệt là trong những bức ảnh chụp cùng mặt trời, nếu bạn không căn chỉnh góc chụp phù hợp, thì cũng dễ xảy ra tình trạng ánh sáng quá gắt khiến màu sắc chủ thể chạy nhiều về trắng. Lỗi sai này thường dễ gặp phải khi chụp chủ thể là người. Việc chọn sai góc độ, điều chỉnh sai độ sáng sẽ khiến ánh sáng hắt vào gương mặt có độ gắt cao, bị nhòa, mờ, sáng trắng các vùng của chủ thể và cảnh vật phía sau.
+ Trong điều kiện thiếu sáng, bạn có thể sử dụng flash, nhưng hãy đảm bảo không có các vùng sáng mạnh khác tác động vào ánh đèn flash. Như thế sẽ khiến cho chất lượng ảnh giảm, dễ bị nhòe, tạo ra các vùng chói.
Nguyên tắc số 2: Không coi nhẹ bố cục
Một trong những điểm quan trọng mà camera của smartphone được trang bị chính là tính năng chụp cùng lưới. Lưới 9 ô sẽ xuất hiện trên màn hình điện thoại của bạn. Dù bạn chụp điện thoại và không yêu cầu kỹ thuật thao tác phức tạp như máy ảnh, nhưng để chụp đẹp, bạn không được bỏ qua bố cục vì nó là khung xương nâng đỡ hình dáng bức ảnh.
Giống như con người có khung xương nâng đỡ cơ thể thực hiện hoạt động thì bố cục cũng vậy, chỉ cần sai lệch sẽ dẫn tới những bức hình xô lệch, hoặc chụp quá gần, hoặc chụp quá xa, chụp không nổi bật chủ thể.
Hiện nay, có một số bố cục cơ bản trong nhiếp ảnh mà bạn có thể tham khảo, bao gồm:
H3: Bố cục chụp ảnh 1/3
Đây là một trong số những bố cục kinh điển của nghệ thuật nhiếp ảnh. Với bố cục này, bạn xác định như sau: Trên khung lưới 9 ô 3 phần có 4 điểm giao nhau giữa các đường thẳng. Để chụp theo bố cục 1/3, trọng tâm của chủ thể đặt vào nút thắt của 1 trong 4 điểm giao kết đó.
Vai trò của bố cục 1/3 là không chỉ làm nổi chủ thể mà còn giúp cho không gian toàn cảnh hiện ra. Bố cục phù hợp chụp trong những trường hợp bố cục phía sau cơ bản, không quá phức tạp, không quá nhiều màu sắc, và chủ thể là điểm ấn tượng duy nhất.
Khi chụp bố cục 1/3, thông thường, nếu chủ thể hướng về bên trái, thì chủ thể nằm ở đường cắt bên phải. Nếu chủ thể hướng về bên phải thì chủ thể nằm ở đường cắt bên trái.
H3: Bố cục chụp ảnh trung tâm
Đây là bố cục căn bản và dễ chụp nhất, thường dùng chụp cận cảnh. Bạn có thể sử dụng smartphone để chụp gương mặt, chụp hoa, chụp con vật,... ở góc độ cực gần và rõ từng chi tiết.
Tuy nhiên, với bố cục này, bạn cần căn chỉnh chủ thể cẩn thận, thu gọn sự xuất hiện của nền phía sau hoặc chụp xóa phông để chủ thể trở nên nổi bật nhất.
Bạn chỉ cần căn chỉnh thật thẳng, để chủ thể vào chính giữa khung hình, bạn sẽ có được những bức ảnh thật sự hút mắt người khác.
H3: Bố cục chụp ảnh đối xứng
Loại bố cục này xuất hiện nhiều trong những bức hình chụp phong cảnh. Điển hình như chụp hình con đường trong thung lũng, nhiếp ảnh gia áp dụng hiệu ứng đối xứng, coi trục đường là đường phân cách và các thân cây hai bên đường là vật thể đối xứng.
Hoặc khi trời mưa, các nhiếp ảnh gia sẽ coi những vũng nước mưa còn sót lại trên đường là tấm gương phản chiếu, thu lại hình ảnh của hai tòa nhà, con phố,... xuất hiện trong tấm gương đó. Để chụp bức hình này, yêu cầu phải hạ máy thật thấp, lấy đường chân ảnh phản chiếu là đường trục để căn góc máy tới khi đường chân ảnh thật cùng hợp lại với nhau.
Bố cục này có khả năng tạo nên sự hài hòa, cân đối, nhấn mạnh nét đẹp của chủ thể chính.
H3: Bố cục chụp ảnh đường chéo
Bố cục này không quá phổ biến với những người chụp nghiệp dư, chụp cho vui, chụp phục vụ nhu cầu lưu giữ kỷ niệm có tính chất cá nhân.
Để dễ hình dung, bạn có thể hiểu bố cục đường chéo là bản thân chủ thể tạo ra những đường chéo. Cách chụp này thoạt nhìn khá giống chụp tự do không bố cục, nhưng thực chất là sự quan sát được từ các chủ thể trong hình ảnh. Loại bố cục này không cần bạn tìm kiếm điểm trung tâm, xác định điểm ⅓. Nó có các loại đường chéo như đường chéo đơn, đường chéo giao nhau, đường chéo chữ thập,... Các đường chéo này chia khung hình thành 2 hoặc 4 phần gần bằng nhau, có khi nối từ hai điểm đối xứng của khung hình.
Xem thêm: Thủ pháp nghệ thuật thị giác cùng nhiếp ảnh gia Việt Thanh
Nguyên tắc số 3: Không zoom khung hình
Smart phone đảm bảo tính nhỏ gọn, tiện lợi nên chức năng zoom khi chụp ảnh được xử lý bởi kỹ thuật vi tính, chứ không giống với ống kính zoom của các loại máy ảnh, có chức năng giống như chiếc ống nhòm chuyên nghiệp.
Vì thế, bạn không thể đặt nhiều hy vọng vào chức năng này của điện thoại, và bạn chỉ nên dùng zoom khi bạn sử dụng smartphone có trang bị tính năng camera tiên tiến.
Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn vẫn là: nên hạn chế dùng zoom, vì chất lượng ảnh không thể cao như bạn mong muốn dù máy bạn có xịn đến đâu. Nó hoàn toàn khác hẳn tính năng zoom hay những chiếc lens zoom được trang bị cho máy ảnh.
Bản chất của chức năng zoom trên smartphone giống như bạn đã chụp một bức ảnh, xong bạn zoom ảnh lại gần chủ thể và chụp lại màn hình. Càng là máy có cấu hình thấp, tính năng zoom sẽ khiến ảnh chụp ra có độ phân giải kém, nhìn rõ các vệt nhiễu trên ảnh.
Nguyên tắc số 4: Sử dụng kết hợp các ứng dụng chụp hình
Yếu tố quan trọng nhất sau khi chụp ảnh chính là lọc ảnh và hậu kỳ. Dù bạn chụp bằng smartphone hay máy ảnh thì khâu này vẫn rất quan trọng.
Một ưu thế khi sử dụng smartphone là bạn có thể áp dụng ngay các filter yêu thích trong khi chụp thay vì chụp xong và hậu kỳ. Cách này sẽ phù hợp với những dòng máy đời cao, cho ra chất lượng ảnh tốt.
Hiện nay, có rất nhiều các ứng dụng chụp ảnh đã tích hợp filter và bộ công cụ chỉnh sửa khá ấn tượng như Soda, Snow, Foodie,... Nếu bạn là người yêu thích chỉnh sửa chuyên nghiệp trên smartphone, bạn có thể chụp bằng camera cơ bản và tiến hành chỉnh sửa với các ứng dụng Lightroom, Snapseed,...
Chụp bằng smartphone, hãy chụp thật nhiều, thay đổi nhiều góc chụp, bố cục để tìm thấy bức ảnh tâm đắc nhất.
Chúc bạn sớm có được những bức ảnh đẹp như mong ước!