Nguyên nhân hình thành “bức tường băng” trong giao tiếp
Nhiều người thắc mắc rằng, bản thân đã rất nhiệt tình trò chuyện hết lần này đến lần khác, nhưng không hiểu vì sao đối phương vẫn có vẻ né tránh và đáp lại một cách không mấy vui vẻ.
Những “bức tường băng” này luôn xuất hiện khi bạn muốn làm quen với một người bạn mới, khi bạn muốn giới thiệu sản phẩm tới khách hàng, thậm chí đôi khi chuyện trò cùng bạn bè, bức tường đó cũng có thể xuất hiện.
Đa số đều cảm thấy khá uất ức và buồn bã, vì bản thân nhiệt thành, nhưng lại phải nhận về sự lạnh lùng. Nguyên nhân nằm ở những điều này:
1. Nói về bản thân khi giao tiếp
Đây là nguyên nhân bao quát nhất gây ra tình trạng bức tường băng trong giao tiếp. Khi bạn trò chuyện cùng một người, bạn luôn cố gắng biểu đạt rằng hôm nay của bạn thế nào, bạn đang cảm thấy vui vẻ vì điều gì, bạn thấy vấn đề này vấn đề kia có ý nghĩa ra sao,... Bạn nói một tràng dài liên tục nhằm đưa hết toàn bộ thông tin đến đối phương, thỏa mãn nhu cầu chia sẻ thông tin của chính mình.
Thế nhưng, bạn lại quên mất phải nghĩ xem đối phương đang cảm thấy như thế nào. Trạng thái của đối phương là yếu tố quyết định chủ đề của cuộc giao tiếp. Nếu bạn chỉ chăm chú thực hiện nhu cầu của mình mà không để tâm đến cảm nhận của họ hoặc không lắng nghe và thấu hiểu một cách sâu sắc những điều họ nói, bức tường băng sẽ dễ dàng hình thành giữa hai người.
2. Mối quan tâm khác nhau
Bạn không thể bắt một người không yêu thích K-pop, không có hiểu biết gì về các nhóm nhạc lắng nghe câu chuyện album mới và phản hồi lại.
Đó chính là nguyên nhân của bức tường băng và điểm khó trong giao tiếp. Xu hướng kết giao của con người sẽ lựa chọn những người có điểm chung với mình, ưu tiên về mặt sở thích, sở trường. Nếu bạn đã khác họ, mà chủ đề bạn chọn lại không phải điều mà họ quan tâm, hiển nhiên, họ sẽ không có gì để nói, và giao tiếp sẽ tự động đi vào bế tắc.
3. Trò chuyện lan man, kéo dài
Khi giao tiếp, yếu tố thời gian rất quan trọng. Bạn không phải là mối bận tâm duy nhất trong cuộc sống của họ. Vì thế, nếu bạn cứ nói mãi về một vấn đề, lan man kể lể lặp lại, người nghe sẽ cảm thấy mất thời gian và chán chường. Nó giống với việc, nếu bạn ngồi làm một công việc liên tục suốt vài tiếng đồng hồ mà không có khoảng nghỉ, bạn cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi và hết hứng thú.
Để hình dung rõ hơn, bạn có thể xem tình huống giao tiếp sau:
Trong công ty, khi trò chuyện cùng đồng nghiệp, nếu bạn kéo dài một vấn đề, đồng nghiệp sẽ rất khó phản hồi và cảm thấy mệt mỏi. Bởi vì, họ vừa phải làm việc khá tập trung và cần được nghỉ ngơi, nhưng câu chuyện của bạn mãi không kết thúc nên họ sẽ có xu hướng đáp lại mờ nhạt. Thậm chí, có thể ban đầu họ cảm thấy hứng thú, nhưng càng lâu, sự hứng thú sẽ giảm, bạn sẽ nhận lại sự im lặng hoặc gật đầu, “ừ”, “à”,...
4. Đào sâu đời tư cá nhân khi giao tiếp
Đây là điều tối kỵ cho mọi cuộc giao tiếp. Các vấn đề về cá nhân chỉ nên là vài câu hỏi cơ bản như tuổi tác, trường học, nghề nghiệp hiện tại. Nếu như bạn tìm hiểu quá kỹ về các mối quan hệ, lối sống thường ngày, tình cảm cá nhân,... người khác sẽ dễ dàng cảm thấy bạn tọc mạch và sẽ lựa chọn xa lánh bạn.
Khi vừa mới quen biết, hoặc đã quen biết nhưng không phải thuộc nhóm những người vô cùng thân thiết giống người nhà, mối quan hệ vẫn là mối quan hệ thiếu an toàn và độ tin tưởng chỉ khoảng 60 - 70%. Không phải ai cũng sẵn sàng nói hết tất cả về mình, hoặc muốn nghe về những điều đó từ người khác.
Nghệ thuật giao tiếp phá vỡ “bức tường băng”
Khi gặp bức tường băng, bạn cần nhớ rằng: Nó quá cao để có thể nhảy qua, nó quá dày để có thể đâm sầm mạnh mẽ, nhưng vì nó là băng nên hãy dùng sự ấm áp để làm tan chảy. Quá trình làm tan chảy đó chính là nghệ thuật giao tiếp.
1. Tuân thủ nguyên tắc giao tiếp
Ba nguyên tắc trong giao tiếp là tôn trọng - chân thành - lắng nghe.
Tôn trọng đời tư cá nhân, tôn trọng cảm xúc và tôn trọng quan điểm.
Trong khi giao tiếp, hãy tránh đào sâu vào các thông tin, sự kiện liên quan đến đời sống riêng tư của người khác và của chính bản thân mình. Khi bạn chỉ nói về chính mình mà không quan tâm đến cảm nhận của người nghe, họ sẽ cảm thấy mình bị lép vế trong cuộc giao tiếp, và cho rằng bạn không muốn nghe họ nói.
Thay vì che giấu cảm xúc, hãy biểu lộ sự lắng nghe chân thành.
Khi giao tiếp, nếu bạn không bộc lộ cảm xúc, đối phương sẽ không thể hiểu được bạn nghĩ như thế nào và có thực sự muốn giao tiếp cùng họ không. Những ngôn từ có thể thay bạn nói mọi thứ, nhưng cảm xúc mới là thứ tác động đến thái độ của đối phương. Đôi khi, một nụ cười, sự bất ngờ, hào hứng có hiệu quả hơn là cố gắng tìm kiếm những từ ngữ phù hợp để bộc lộ niềm vui. Càng là với những người mới quen, bạn càng cần sự biểu cảm tự nhiên, để họ hiểu rằng, bạn đang muốn tương tác cùng với họ. Đồng thời, cũng cần tránh tình trạng trả lời ngắn ngủn, khiến sự hào hứng của đối phương bị giảm xuống. Ví dụ, khi họ chia sẻ một tình huống không mấy vui vẻ, hãy hỏi họ xem câu chuyện đã xảy ra như thế nào, cảm xúc lúc đó ra sao và thể hiện rằng, mình lắng nghe và hiểu được điều đó.
Xem thêm: Phương thức giao tiếp dành cho những người hướng nội
2. Ứng biến linh hoạt khi giao tiếp
Có rất nhiều tình huống giao tiếp xảy ra trong khi bạn gặp gỡ những người khác nhau. Với mỗi tình huống, cách ứng xử và giao tiếp cùng họ sẽ phải thay đổi thật linh hoạt. Để giao tiếp thành công, bản thân bạn phải cân nhắc cẩn thận các vấn đề sẽ xảy ra xung quanh quyết định của mình.
Với những người bạn không thích, bạn không cần thiết phải bộc lộ rõ ràng mà nên giữ cảm xúc trung lập, đặc biệt là đồng nghiệp cùng công ty để không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Khi giao tiếp với những người như vậy, chỉ cần hỏi thăm và đáp lại một cách chung nhất.
Ví dụ, bạn gặp họ ở thang máy công ty, bạn chỉ cần nở một nụ cười, hơi gật đầu nhẹ, hay nói một lời chào “Buổi sáng tốt lành”.
Với những người mà bạn đang muốn phản bác về quan điểm, ý kiến, bạn cần linh hoạt suy nghĩ về các luận điểm phù hợp và chỉ rõ ràng những điều không phù hợp trong ý kiến của họ. Cách tốt nhất để thuyết phục những người trái quan điểm với bản thân là khiến họ cảm thấy bạn có lý hơn và nhận ra những nguy cơ nếu khăng khăng giữ nguyên quan điểm của mình. Và nên dùng những từ ngữ nhẹ nhàng, thay vì nói “Cậu không hiểu gì cả”, bạn hoàn toàn có thể nói với họ “Thực ra cậu có thể nhìn vấn đề này rộng hơn và theo một hướng khác…”. Việc này vừa đảm bảo sự hòa hoãn của mối quan hệ, vừa không đụng tới lòng tự ái của đối phương.
Có rất nhiều tình huống giao tiếp xảy ra trong cuộc sống, để ứng biến tốt, bạn nên dành thời gian để đọc những cuốn sách về giao tiếp, hoặc việc xem phim điện ảnh cũng giúp bạn nắm bắt tốt cảm xúc của đối phương khi các tình huống khác nhau diễn ra.
3. Điều khiển cảm xúc và giọng nói
Christophe Haag, Tiến sĩ khoa học về hành vi tại trường EM- Lyon (Pháp) đã đưa ra một nhận định: “Giọng nói cũng biểu cảm giống như biểu cảm của khuôn mặt. Giọng nói có thể phản bội chính bạn, gây thu hút hoặc ác cảm, gây tổn thương hoặc có khả năng thuyết phục người khác”. Để giao tiếp thành công, giọng nói có vai trò vô cùng quan trọng, là sự tổng hòa của các yếu tố ngữ điệu, âm lượng, tốc độ,... Mỗi tình huống giao tiếp khác nhau, người giao tiếp thay đổi thì giọng nói cũng sẽ biến hóa.
Trong cuộc gặp gỡ với những người bạn thân thiết, giọng nói tự nhiên sẽ nâng cao hơn, hào hứng hơn và khá thoải mái, chêm xen nhiều thán từ.
Nhưng trong cuộc gặp với khách hàng, giọng nói lại nhấn nhá mềm mỏng, tốc độ và âm lượng vừa đủ nghe cho khoảng cách của hai người. Khi đó, bạn đang cần thuyết phục họ lựa chọn sản phẩm của bạn, bạn không chỉ cần chú tâm đến cảm xúc của họ, nghiên cứu tâm lý trong độ tuổi đó của họ mà còn cần sử dụng giọng nói trầm bổng thân thiết để níu chân họ. Người ta sẽ vô thức mềm lòng trước sự chân thành và tha thiết, vì thế, giọng nói sẽ là phương tiện quyết định thành công.
Để luyện tập được giọng nói tốt, bạn cần tự gạt bỏ những nỗi lo, sự tự ti, tiến hành rèn luyện theo đúng kỹ thuật. Lớp học Luyện giọng nói cùng NSƯT Hà Phương sẽ giúp bạn tháo gỡ những vướng mắc về giọng nói. Đặc biệt, với những người thường xuyên tiếp xúc khách hàng, giọng nói là một phần quyết định doanh số.