Tích cực độc hại - áp lực từ những niềm vui
Trong sự tuần hoàn của thế giới tự nhiên, thời gian chia ra ngày và đêm, bầu trời chia ra sáng và tối. Trong sự phát triển của con người cũng vậy, luôn luôn tồn tại ánh sáng và bóng tối, đại diện cho niềm vui, hạnh phúc và nỗi buồn, sự tuyệt vọng. Con người không thể thiếu đi một trong hai phần đó, bởi nó là chất xúc tác của sự cảm nhận thế giới, khiến cho trái tim biết rung động, biết đồng cảm, khiến chúng ta biết cười cũng biết khóc thương. Vì thế, nếu một người chối bỏ đi những giọt nước mắt, những điều buồn nhất, thì họ đang tiến dần về tích cực độc hại.
Giáo sư Gail Saltz của bệnh viện New York Presbyterian cho rằng: “Tích cực độc hại” không phải một thuật ngữ y khoa mà phát sinh trong cuộc sống thường ngày. Đó như một cơ chế phòng ngự những tác nhân gây nên cảm xúc buồn bã, giận dữ, lo lắng...
“Mình phải vui lên”
“Mình không nên buồn nữa”
“Nếu mình buồn mình sẽ không thể làm gì cả”
Áp lực về niềm vui khiến cho một cá nhân bắt đầu lọc tách bản thân khỏi nỗi buồn, tức là không thừa nhận, nhưng không thể loại bỏ được nó mà chỉ có thể đem nó đè nén xuống. Nỗi buồn giống như những quả bóng vô hình, càng nhiều càng trở nên chèn ép nhau đến mức vỡ tan, và khiến cho chủ thể bị suy sụp.
Áp lực niềm vui có thể đến từ:
Niềm vui kiểu phản chiếu
Bạn thấy càng nhiều niềm vui trên mạng xã hội, bạn thấy càng nhiều nụ cười xung quanh mình, bạn sẽ càng thắc mắc bản thân tại sao không vui giống những người khác? Suy nghĩ này khiến bạn xây dựng cho bản thân một chiếc mặt nạ vui vẻ trên mạng và trong giao tiếp hằng ngày. Thoạt đầu, nó sẽ khiến bạn hài lòng, vì chỉ cần nghĩ “Mình phải vui” là bạn có thể ngay lập tức nở một nụ cười tươi tắn, sẵn sàng ra khỏi nhà để dạo phố, hẹn hò bạn bè,...
Hiển nhiên, bạn sẽ trở thành một người tỏa sáng, một người lắng nghe thông thái vì biết nói những lời an ủi tươi sáng. Thế nhưng, khi bạn nghe tâm sự của người khác, mà không thể giải quyết được tâm sự của chính bản thân, bạn sẽ càng rơi vào bế tắc và chật vật với câu hỏi “Ai sẽ lắng nghe cảm xúc của mình?”.
Chạy trốn khỏi những nỗi buồn
Đứa trẻ bóng tối có thể ghé thăm bạn bất cứ lúc nào, bạn biết điều đó và thay vì đối mặt với đứa trẻ ấy, đối thoại về lý do nó xuất hiện thì bạn ngay lập tức chạy trốn, vì bạn lo lắng không biết rằng thừa nhận tiêu cực thì bản thân sẽ suy sụp. Đó là lúc tích cực độc hại xuất hiện.
Về cơ bản, tích cực độc hại bị gọi là mặt nạ bởi nó chỉ là sự kỳ vọng không có thực của con người về hạnh phúc, niềm vui hoàn toàn - thứ mà ít khi xảy ra trong cuộc sống.
Hạnh phúc là điều mà tất cả mọi người đều theo đuổi, nhưng không có nghĩa là chúng ta thiên vị nó so với những cảm xúc khác. Khi bạn quá coi trọng hạnh phúc, bạn sẽ bỏ quên những cảm nhận khác của bản thân, nhận thức sai lầm về những trải nghiệm mà bản thân nhận được trong cuộc sống. Đôi khi, nỗi buồn chính là một bài học để bạn đọc và nhớ, để bạn trở nên tinh tế hơn trong cảm nhận thế giới xung quanh.
Gợi ý: Suy giảm sức khỏe tinh thần, một sản phẩm đến từ kỳ vọng
Tích cực độc hại thay đổi chúng ta như thế nào?
Tích cực độc hại hoàn toàn là một chiếc mặt nạ, bạn càng mang lâu, nó càng dần trở thành chính bạn. Không có điều gì đáng sợ hơn việc lãng quên cảm xúc của bản thân và bị chi phối trở thành một con người khác.
Đối tượng giao tiếp thông thái nhưng hời hợt
Thái độ tích cực là một món quà giao tiếp mà bạn có thể đem tặng những người xung quanh. Khi ai đó gặp vấn đề, sự tích cực của bạn có thể giúp họ được vực dậy một phần nào đó. Đây cũng chính là kỳ vọng của bạn khi lựa chọn chiếc mặt nạ tích cực.
Tuy nhiên, điều này không thể duy trì lâu và không phù hợp với tất cả mọi người. Đặc biệt, khi bạn chỉ coi trọng hạnh phúc, những lời khuyên bạn đưa ra cho họ sẽ không có giá trị an ủi thực tế vì cuối cùng nó đều hướng tới cảm xúc “phải vui lên”, “đừng buồn nữa”.
Những cảm xúc đi lạc
Việc duy trì tích cực độc hại làm suy giảm khả năng cảm nhận của bạn về thế giới. Sự mặc nhiên về hạnh phúc làm cho bạn mất đi sự tinh tế trước những biến động của thế giới, sự thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm của con người xung quanh.
Cơ chế của tích cực độc hại là sự né tránh, bạn né tránh tiêu cực đủ lâu thì bạn sẽ không còn có thể thấu hiểu được nó nữa. Ngay khi bạn đã quá mệt mỏi vì phải mang vác trọng trách niềm vui ở trên vai, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi những tiêu cực. Những thứ bị dồn nén trước đó sẽ đổ ập vào bạn, khiến bạn hoang mang và không thể xác định chính xác vấn đề mà bản thân gặp phải.
Gia tăng chỉ số tiêu cực
Sự thay đổi của cảm xúc là những tín hiệu giúp chúng ta nhận biết rõ ràng tình trạng sức khỏe tinh thần của bản thân. Vì thế, nếu nhận thấy cảm xúc có dấu hiệu chạy ngược lại thang đo hạnh phúc, nhưng thay vì tìm kiếm nguyên nhân và phương pháp, bạn lại tạo ra một số liệu hạnh phúc giả cho nó, thì bạn sẽ khiến chỉ số tiêu cực gia tăng.
Bạn buồn bã, đau khổ vì chia tay người yêu. Bạn khóc lóc, chán nản vì làm sai trong công việc. Những cảm xúc này khiến bạn cảm thấy xấu hổ, cố gắng che giấu nó. Đây là dạng thức né tránh để không phải thừa nhận hay đối diện với cảm xúc tiêu cực, với thất bại trong thực tế. Ở khoảng 1/4 cuộc đời, những áp lực cuộc sống như tình yêu, hôn nhân, gia đình, công việc,... nếu không được giải quyết sẽ khiến bạn rơi vào bẫy của tích cực độc hại.
Xem thêm: Khủng hoảng tuổi 22 - bước ngoặt của sự đánh mất hay là những cơ hội mới?
Cởi bỏ chiếc mặt nạ tích cực độc hại
Cảm xúc là tín hiệu của suy nghĩ, cũng là thứ để người khác có thể đọc hiểu về chúng ta. Nó là phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ, thay bạn nói lên những điều sâu thẳm nhất. Trong hoạt động giao tiếp, người ta có thể đoán được những ẩn ý thông qua ngôn ngữ cảm xúc từ đôi mắt, nét mặt hoặc một số cử chỉ hành vi. Chính vì thế, thừa nhận cảm xúc là ranh giới quan trọng để người khác có thể tiếp nhận được sợi dây cảm xúc của bạn.
Việc bạn thấu hiểu cảm xúc của người khác, dù là tích cực hay tiêu cực và ngược lại, đều có ý nghĩa quan trọng, giúp gắn kết mối quan hệ và sự trọn vẹn trong toàn bộ cuộc đối thoại. Để có thể tránh khỏi cái bẫy tích cực độc hại, bạn nên:
- Thẳng thắn với những cảm xúc của chính mình. Nếu bạn buồn, hãy cứ buồn đi, và giải tỏa nỗi buồn đó thông qua những giọt nước mặt, những âu lo trên khuôn mặt. Sự thỏa mãn về mặt cảm xúc luôn cần thiết để cân bằng lý trí và tình cảm, giúp bạn trở nên tỉnh táo hơn trong mọi quyết định.
- Dành thời gian đối thoại với bản thân. Bạn cần lắng nghe những mong muốn nguyện vọng của chính mình, tránh xa những cám dỗ hình thức đang diễn ra xung quanh chúng ta. Giá trị quan về hạnh phúc của mỗi người là khác nhau, vì thế, đừng coi hạnh phúc của người khác là tiêu chuẩn của mình. Nó giống như việc, bạn không thích một món ăn, người khác lại khen món ăn đó, mãn nguyện với nó nên bạn chọn cách ăn theo họ và cũng khen theo họ. Điều đó chỉ làm gia tăng cảm xúc tiêu cực và ức chế tinh thần của bạn. Nghĩ về điều thực sự làm bạn thấy vui sẽ tốt hơn rất nhiều.
- Dành thời gian sắp xếp lại cuộc sống. Dù là 20, hay 30 tuổi, thậm chí là nhiều hơn nữa thì chúng ta đều có những vấn đề trong cuộc sống xoay quanh chuyện tài chính, sức khỏe, gia đình,... Để cân bằng các yếu tố này và đưa chúng chạy tới chỉ số hạnh phúc mong muốn, bạn cần có kế hoạch phát triển cụ thể và rõ ràng, theo dõi sự thay đổi của nó qua từng giai đoạn. Chúng ta không tạo ra một khuôn mẫu cho cuộc đời mình, chúng ta chỉ đang tạo ra cơ hội cho những hạnh phúc đích thực được xuất hiện, thay thế cho những cảm xúc tiêu cực bộc phát, giảm thiểu sự ngẫu nhiên của chúng trong tương lai.
Gợi ý: Wheel of Life: Thực hành bánh xe cuộc đời giúp bạn cân bằng cuộc sống
Hạnh phúc mà bạn trải nghiệm, là hành trình bạn tìm kiếm nó. Đến cuối cùng, dù bạn có hoàn toàn tìm thấy nhụy hoa của hạnh phúc đúng thời hạn hay không, thì bạn cũng đã có những khoảnh khắc tuyệt vời và ý nghĩa.
Không phải lúc nào chúng ta cũng sẽ sẵn sàng thừa nhận cảm xúc tiêu cực của bản thân, nhưng cũng đừng vì không thừa nhận điều đó mà lựa chọn áp lực niềm vui thay thế. Những niềm vui kiểu phản chiếu chỉ dạy bạn sự “học đòi hạnh phúc” chứ không thể cho bạn câu trả lời “hạnh phúc thực sự đến từ đâu”. Hành trình tìm kiếm hạnh phúc là hành trình thừa nhận nỗi đau, đi qua nỗi đau để tiến tới bến bờ của sự gột rửa, hạnh phúc khi ấy mới thuộc về bạn và tỏa sáng như một đóa hoa.