1. Sức khỏe tâm thần là gì?
Sức khỏe tâm thần không phải là sự suy giảm về trí não, cũng không phải là sự yếu đuối như nhiều người vẫn thường lầm tưởng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là trạng thái hạnh phúc của một cá nhân, mà ở đó họ hiểu được khả năng của bản thân, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, duy trì các hoạt động sống, làm việc và đóng góp cho xã hội. Sức khỏe tâm thần của một người được cân bằng và đánh giá dựa trên các yếu tố sức khỏe trí não, sức khỏe cảm xúc, khả năng hoạt động, tình trạng thể chất liên quan, khả năng nhận diện cảm xúc, phản ứng xã hội,... Nói cách khác, những yếu tố đó cũng là cơ sở hình thành nên một tâm thần khỏe mạnh.
Bạn cứ tưởng tượng tâm thần của một người là chiếc ly thủy tinh được tạo ra từ rất nhiều mảnh ghép, đại diện cho các yếu tố đã phân tích ở trên. Những yếu tố này ngày càng dày dặn, vững chắc thì chiếc ly thủy tinh cũng sẽ kiên cố. Nhưng nếu một trong số các yếu tố xuất hiện sự thiếu hụt, mà chủ thể lại không kịp thời phát hiện và sửa chữa, thì nó sẽ tạo ra lỗ hổng trên chiếc ly. Sớm muộn gì chiếc ly ấy cũng không trụ được mà xuất hiện các vết nứt từ lỗ hổng, lan dần ra toàn bộ, cho đến khi vỡ tan.
Năm 2022, năm của những đau thương, khi một đứa trẻ gieo mình khỏi tầng lầu vì áp lực học tập, khi người mẹ từ bỏ sự sống của bản thân và mang theo một sự sống vừa chớm nở khác,... Thay vì chỉ trích, chúng ta cần phải hiểu tại sao họ làm vậy, họ đã gặp vấn đề gì và giải quyết vấn đề đó ở những người khác khi những điều không may tiếp tục xảy ra. 2022, trên khắp các diễn đàn, các trang xã hội không ngừng lên tiếng về vấn đề sức khỏe tâm thần. Những người trẻ không chỉ kêu cứu cho chính họ mà còn cảnh báo về vấn đề này ở tất cả những đối tượng khác nhau.
2. Nguyên nhân suy giảm sức khỏe tâm thần
Dựa theo góc nhìn về chiếc ly ở trên, bất cứ mảnh ghép nào cũng đều là nguyên nhân gây ra sự suy giảm về tâm thần của một người. Tựu trung lại, xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Yếu tố sinh học
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sự suy giảm về sức khỏe tâm thần của một cá nhân có thể xảy ra khi gia đình có tiền sử rối loạn tâm thần. Bên cạnh đó, ở đối tượng là phụ nữ, sự suy giảm nội tiết tố dẫn đến sự suy nhược về thể chất, mệt mỏi kéo dài. Đây là nguyên nhân chủ yếu tác động đến sức khỏe hệ thần kinh, khiến họ bị rối loạn giấc ngủ, luôn trong trạng thái buồn bực, căng thẳng. Đặc biệt, với những phụ nữ sau khi sinh con, hormone progesterone, estrogen, hormone tuyến giáp sụt giảm đột ngột, các trạng thái thể chất càng có nhiều dấu hiệu bất ổn. Vì thế, nếu không nhận được sự quan tâm kịp thời, họ dễ rơi vào trạng thái lo âu về bản thân, mặc cảm hình thể, nảy sinh cảm giác vô dụng, mệt mỏi suy sụp vì sự quấy khóc của trẻ nhỏ, nhạy cảm hơn với mỗi lời nói hoặc hành động của người khác.
Viện Nghiên cứu Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra con số thống kê, số bệnh nhân trầm cảm sau sinh đến khám chiếm khoảng 20-30% tổng số ca mỗi ngày. Theo Bộ Y tế, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh rơi vào khoảng 33% sản phụ nhưng có tới 50% trong số họ không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.
Áp lực và kỳ vọng
“Ôi dào, mấy đứa trẻ con cứ lên mạng mới thành như thế”.
“Ngày xưa cũng học thế mà có sao đâu”.
“Mấy ông bố bà mẹ cứ bắt học cho lắm vào”.
...
Mỗi lần xảy ra vụ việc thương tâm nào đó về vấn đề giáo dục, dù là xảy ra trong nước hay ngoài nước, những bình luận như này lại xuất hiện.
Khi có vấn đề, người ta tìm "những người có lỗi" để trách móc thay vì nhìn nhận xem những nguyên nhân sâu xa thực sự đến từ đâu. Chúng ta trưởng thành với trách nhiệm và kỳ vọng ở trên vai, đến từ xã hội, đến từ gia đình và những người thân yêu. Chúng ta nỗ lực với trách nhiệm và kỳ vọng đó, nhưng khả năng luôn có một giới hạn, mà trách nhiệm và kỳ vọng lại không ngừng tăng, đó là khi người gánh vác cảm thấy mệt mỏi và buộc phải ngã quỵ.
Cha mẹ kỳ vọng ở chúng ta, mong chúng ta có thể làm tốt cho đến khi chúng ta cảm thấy không được thấu hiểu, tổn thương vì những kỳ vọng một chiều đó.
Chúng ta tự kỳ vọng vào bản thân, cho rằng chỉ cần chịu đựng, chỉ cần cố gắng là sẽ có kết quả. Vậy mà cuối cùng lại thất bại, dồn nén bởi mệt mỏi, tan vỡ.
Xã hội kỳ vọng vào chúng ta sống như cách mà họ muốn, và nếu chúng ta lựa chọn con đường riêng của mình, họ sẽ lên tiếng chỉ trích, phán xét.
Tất cả là do kỳ vọng... bởi dường như kỳ vọng của con người chưa bao giờ là đủ. Nó có thể cổ vũ một người nhưng cũng có thể cướp đi thể xác và tâm hồn người ấy.
Không được lắng nghe và thấu hiểu
Khi nghe tâm sự của một người đang cảm thấy chênh vênh, thất bại, mệt mỏi, đa số lời khuyên đưa ra sẽ là “Cố gắng lên”, “Thôi nghĩ tích cực lên”, “Đừng khóc nữa”,... Nghe qua thì thực sự là lời cổ vũ, nhưng đối với những người đang mắc kẹt với cuộc sống, đó không phải là điều mà họ muốn nghe. Những lời này chỉ khiến cho họ cảm thấy mình không được thấu hiểu, không biết phải chia sẻ cùng ai khác.
Cảm giác cô đơn, lạc lõng có thể ăn mòn tinh thần của một người, khiến họ trở nên tự ti, khép mình, ngại giao tiếp. Trong khi đó, nếu họ được lắng nghe “Ngày hôm nay của bạn thế nào?”, “Mình ôm cậu một cái được không?”, “Mình sẽ luôn ở đây và nói với mình cậu cần giúp điều gì nhé!” thì mọi chuyện sẽ đi theo một hướng khác.
Xem thêm: Lắng nghe thấu cảm, đứng về phía cảm xúc
Một nguyên nhân nữa khiến họ cảm thấy không được thấu hiểu là do không thể tìm thấy tiếng nói trong một xã hội nhiều định kiến, nhiều ánh nhìn chỉ trích. Những người này thường trải qua một tuổi thơ không tốt đẹp, hoặc đã có những trải nghiệm tồi tệ về quấy rối, xâm hại, bạo hành,... Họ không dám kể câu chuyện của mình vì sợ phán xét, hoặc đã từng chia sẻ nhưng không nhận được sự đồng tình. Hành vi đổ lỗi cho nạn nhân cũng là một nguyên nhân tiêu cực tác động tới sự thay đổi về tâm sinh lý của người bị hại.
3. Các biện pháp cải thiện sức khỏe tâm thần
Những lời khuyên này không chỉ dành cho bạn, cho những người xung quanh bạn mà còn cả những người đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần mà bạn biết. Đây là hành trang giúp bạn cải thiện sức khỏe tâm thần của bản thân, đồng thời cũng sẽ chủ động hơn trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần của những người thân quen.
Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh
Thực dưỡng và chất lượng sống và hai yếu tố quan trọng đầu tiên giúp hoàn thiện về mặt thể chất và tinh thần.
Cơ thể khỏe mạnh, tay chân linh hoạt, hệ thần kinh được bổ sung năng lượng và luôn tràn đầy sức sống sẽ giúp bạn linh hoạt hơn trong việc tiếp nhận và xử lý các thông tin.
Khi hệ thần kinh của bạn khỏe mạnh, chất lượng giấc ngủ được cải thiện giúp bạn có đủ năng lượng cho ngày mới, hiệu quả học tập và làm việc gia tăng, các áp lực và căng thẳng được chuyển hóa thành động lực để chinh phục mục tiêu.
Việc rèn luyện trí thông minh và trí tuệ cảm xúc sẽ rất có ích đối với sức khỏe tâm thần của bạn và còn là cơ sở để đọc vị “tâm thần” của người khác, lắng nghe và phát hiện vấn đề đúng lúc.
Gợi ý: Phương pháp rèn luyện trí tuệ cảm xúc
Viết nhật ký biết ơn của bạn
Điều gì níu giữ một người trong cuộc đời này? Đó chính là tình yêu và sự biết ơn.
Vì bạn biết ơn bạn được sinh ra, nên bạn không muốn rời bỏ cuộc đời.
Vì bạn biết ơn những người đã giúp đỡ bạn trong hành trình sự nghiệp, nên bạn không muốn gục ngã sau thất bại.
Vì bạn biết ơn những điều tốt đẹp mà bạn chứng kiến hoặc nhận được, nên bạn muốn tiếp tục theo dõi chúng.
Nếu như sức khỏe tâm thần là một chiếc ly thủy tinh, thì nhật ký biết ơn là phần vỏ bao bọc lấy chiếc ly ấy. Nhật ký biết ơn càng dày dặn, tình yêu của bạn càng to lớn, thì chiếc ly ấy sẽ không thể nào tan vỡ được.
Học viết nhật ký biết ơn là một sự tĩnh tâm và nhìn lại cuộc đời. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói một câu rất hay: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau…”. Nếu ngày hôm ấy bạn cảm thấy mình đang ở vực sâu, cô độc và không có ai đưa tay ra với bạn, thì mong bạn hãy dùng lòng bao dung của mình, tha thứ cho cuộc đời vì đã mang đến những điều khiến bạn biết ơn.
Học cách kiên nhẫn với chính mình
Xin gửi đến bạn một câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Mỗi ngày chúng ta đang tham gia vào một phép lạ mà chúng ta thậm chí không nhận ra: một bầu trời xanh, mây trắng, lá xanh, màu đen từ đôi mắt tò mò của một đứa trẻ – đôi mắt của chính chúng ta. Tất cả là một phép lạ”. Có những điều, bạn cần sống, cần trải nghiệm, rồi suy nghĩ thì mới có thể ngộ ra.
Đừng vội vàng quy kết cho bản thân những ngôn từ chối bỏ như không làm được gì cả, không được yêu thương, không có tương lai,... Cuộc sống này vốn dĩ luôn có hai mặt, tiêu cực và tích cực, còn chúng ta cứ quẩn quanh giữa lằn ranh ấy. Hãy cho bản thân thời gian thiền tịnh, một khoảng thời gian tách biệt với những suy nghĩ tiêu cực, một khoảng thời gian mà bạn không nghĩ gì cả, không tìm mục đích nào hết, chỉ thả lỏng và chờ đợi sự lóe sáng trong tâm trí mà thôi. Bạn cần đi tìm đôi mắt của riêng mình, tìm phép lạ mà mình mong đợi. Không cần phải chối bỏ những tiêu cực, vì nếu như bạn thừa nhận nó, học cách sống chung với nó, đến một khoảnh khắc nào đó, bạn sẽ nhận ra chẳng còn bất cứ sự tiêu cực nào tồn tại được nữa.
Vì thế, nếu bạn từng dành hàng giờ vẽ một bức tranh, lắp một mô hình, đặt những mảnh ghép về đúng chỗ, thì bạn cũng cần kiên nhẫn như thế để đưa bản thân đến một cuộc đời đúng nghĩa.