Thính giác là một trong năm giác quan của con người. Nhưng lắng nghe là nghệ thuật (Frank Tyger). Điều quan trọng trong việc tạo ra những mối quan hệ đúng nghĩa và bền vững chính là biết lắng nghe. Khi chúng ta chấp nhận lắng nghe người khác, tức là chúng ta đang cho họ cơ hội thể hiện bản thân và mở lòng để họ bước vào, ngược lại chúng ta cũng mong chờ điều đó ở họ. 

Thế nhưng, liệu lắng nghe là chỉ ngồi lại và nghe thôi sao? Lắng nghe cần có nghệ thuật để nó trở thành sự lắng nghe có ý nghĩa - lắng nghe thấu cảm. 

Lắng nghe thấu cảm ở góc độ “thấu”

Nếu có người tâm sự với bạn rằng “Mình đã thất bại khi xin việc vì không có tiếng Anh tốt”, bạn sẽ phản ứng như thế nào?

- Ôi trời, thì làm chỗ khác thôi, thiếu gì chỗ!

- Thôi từ giờ cố mà học đi, ngôn ngữ quan trọng lắm.

- Nếu là tui thì tui sẽ học mỗi ngày, học cật lực luôn vì tiếng Anh quan trọng đó giờ mà! Hay thử học ngôn ngữ khác đi.

Liệu chúng ta có nên phản ứng như những câu trên không? Thoạt nhìn, bạn sẽ thấy những lời nói đó chẳng có gì nghiêm trọng. Thế nhưng, đó lại là hành động cố gắng sửa chữa người nói, buộc người nói rơi vào tình trạng tự vấn: “tại sao mình không làm vậy sớm hơn”, “mình có nên đưa ra lựa chọn khác”, “hình như mình chưa tốt lắm nhỉ”.

Đa số chúng ta có xu hướng nghe - nghĩ - trả lời mà đánh mất sự “thấu”. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang giúp họ, hoặc khiến họ cảm thấy mình không cô đơn vì người khác cũng thế, nhưng cách này sẽ khiến tâm trạng, suy nghĩ của đối phương dễ rơi vào tiêu cực. 

Để “thấu”, bạn cần phải:

Mở cánh cửa trí não, để câu chuyện của đối phương bước vào trong đó. 

Khi ấy, đại não sẽ tiến hành phân tích câu chuyện, để biết được đối phương gặp chuyện gì, vấn đề hiện tại của họ là gì. Đó là bước đầu tiên của sự “thấu”.

Cặp vợ chồng trẻ châu Á thích mua sắm trực tuyến trên máy tính xách tay tại nhà.  lối sống vợ chồng trẻ hạnh phúc mua thương mại điện tử sau khi ăn sáng trong nhà bếp hiện đại tại nhà vào buổi sáng.

Không phán xét, luôn giữ đôi tai lý trí, cái đầu khách quan. 

Ý nghĩa của lắng nghe không nằm ở chỗ bạn có đưa ra lời khuyên, có trả lời đồng tình hay không đồng tình, mà ở chỗ bạn hiện diện và tạo cho họ sự yên tâm. 

Mong bạn nhớ rằng: đừng để bản thân trở thành kẻ phán xét khi đang lắng nghe tâm sự. Khi bạn bắt đầu phán xét, cán cân thăng bằng của lý trí bắt đầu nghiêng dần đi, và đôi tai lắng nghe cũng không còn khách quan nữa. 

Tự đặt mình vào trong tình huống.

Tưởng tượng và để bản thân trải nghiệm tình huống nhưng không phải để rút ra kết luận “Nếu tôi là bạn, thì tôi sẽ…” mà để biết được những hỗn loạn trong suy nghĩ của đối phương. 

Nhiều người lầm tưởng rằng, biện pháp đặt bản thân vào tình huống là để tìm thấy câu trả lời và đưa ra lời khuyên. Đó là sự hiểu nhầm tai hại. 

Việc đặt mình vào câu chuyện của người khác là một quy trình từ nghe - tiếp nhận - suy ngẫm - tự ngộ. “Hóa ra đó là điều khiến cho họ cảm thấy buồn bã, chán nản sao?!!” và thốt ra thành lời nói chân thành “Tớ hiểu như thế này (...) thì có đúng không?”. Đó là khoảnh khắc tuyệt vời giữa người nói và người nghe, khi sự thấu hiểu đã hòa vào một nhịp và rung ngân lên. 

Lắng nghe thấu cảm ở góc độ “cảm”

Sau khi đã có được nền “thấu” ấy, cuộc trò chuyện và sự lắng nghe sẽ tiến đến một giai đoạn sâu sắc hơn - đó là “cảm”.

Khi “cảm”, bạn không cần sợ những khoảng lặng. Bạn không cần cố gắng lấp đầy sự im lặng bằng những lời khuyên. Khi cảm xúc đang hỗn loạn và bối rối, thậm chí là đau đớn và dằn vặt, những lời nói cầu khiến mà chúng ta mang đến, trái tim của họ sẽ từ chối hoặc chuyển hóa nó thành lời tự vấn trách móc. 

Toàn cảnh đoàn tụ bạn bè trong thành phố

Bởi vậy, hãy để khoảng lặng gói trọn trong chữ “lặng” ấy, và đó cũng là một cách “cảm” giữa hai người. 

Vậy, chúng ta cần làm gì để luôn “cảm” được khi lắng nghe?

Một, luôn truy tìm góc khuất.

Đôi khi, đối phương vẫn còn chút sợ hãi và chưa đủ can đảm mở lòng, vì thế, họ sẽ chỉ nói cho bạn một nửa, một phần vấn đề. 

Bạn hãy nghe thật kỹ, dùng tư duy logic để suy luận, trái tim ấm nóng để cảm nhận, đôi mắt tinh tường quan sát mọi sắc thái, bạn sẽ tìm thấy điều mà họ muốn nói nhưng không thể cất lời. 

Thế nhưng, để làm được điều này, bạn trước hết phải luyện được sự tinh tế. Tinh tế đến từ sách vở, tinh tế đến từ quan sát những tình huống xung quanh,... 

Hai, hướng về sự đồng điệu.

Nếu như bạn là một người tươi sáng, ấm áp như ánh mặt trời, mong bạn cũng có thể mang ánh sáng ấy đến cho những người đã làm mất nó. 

Nhiều người cho rằng “Người đứng trong ánh sáng, không hiểu được bóng tối”. Nhưng, trên thế giới này luôn có ngoại lệ:

- Họ có ánh sáng nhưng họ cũng có một trái tim biết thấu hiểu, biết thông cảm và sẻ chia.

- Họ có ánh sáng nhưng họ tình nguyện bước vào bóng tối của người khác để đau nỗi đau của họ, buồn nỗi buồn của họ. 

- Họ có ánh sáng nhưng họ luôn mong thế giới này hạnh phúc.

Thanh âm đi qua đôi tai, một phần được chia tới đại não, một phần nữa, nhất định hãy chia vào trái tim. Tại sao nhà văn viết được những nỗi đau dù không sống trong thời đại đó, tại sao nhà thơ ngân lên những tiếng buồn dù không có một cuộc đời như vậy? Đó là bởi họ cho mình một cuộc đời giả tưởng, để bản thân trở thành cái gương phản chiếu chân thực mọi tâm tư tình cảm đến từ muôn vạn người. 

Ba, lưu ý ngôn ngữ cơ thể.

Điều cuối cùng, để sự “cảm” trở nên trọn vẹn, đó chính là ngôn ngữ cơ thể giữa hai người.

Nếu có thể, đừng quên ôm lấy người bạn đó, để thấy được sự run rẩy của họ, sự loạn nhịp vì lo lắng, chông chênh trong trái tim nhỏ bé. 

Nếu có thể, luôn dùng cái nắm tay, ánh nhìn dịu dàng nhất, để họ biết rằng họ chẳng bao giờ cô đơn. 

Phụ nữ bắn trung bình ôm

Cảm xúc là thứ vô cùng khó đoán, nhưng để trở thành một người lắng nghe, bạn phải luôn đứng về phía cảm xúc và dùng lý trí để biết bản thân cần làm gì giúp họ. Hãy trao cho họ những thanh âm dịu dàng nhất, không vồn vã ào ập, không ngập ngừng trách móc, không liến thoắng trôi nhanh. Mọi thứ chỉ nên thật chậm rãi, như nước ấm len qua mỗi viên sỏi, mài mòn đi những cạnh sắc nhọn, để đôi tay bạn có thể chạm tới cảm xúc phía vực sâu tâm hồn. 

Xem thêm: Thế nào là giọng nói chạm đến trái tim?