1. Những biểu hiện của vô cảm
Dựa trên những kiến giải trong tâm lý học đại cương, vô cảm là trạng thái con người thờ ơ, ảm đạm, từ chối tiếp nhận những phản hồi từ xã hội. Tức là, con người vô cảm trái ngược với con người trắc ẩn, họ không có bất kỳ cảm xúc gì trước nỗi đau, trước sự bất bình của người khác, cũng không sẻ chia hay lắng nghe những bất công trong xã hội. Rộng hơn nữa, và thể hiện một cách phổ biến trong giới trẻ hiện nay, vô cảm là trạng thái từ chối mọi rung động cảm xúc, cũng như không kỳ vọng vào những cảm xúc đến từ mọi người xung quanh.
Bên trong căn bệnh vô cảm cũng hàm chứa một hiệu ứng nữa, đó là Hiệu ứng người ngoài cuộc (Bystander effect). Khi đối diện với những sự cố của người khác, hiệu ứng người ngoài cuộc sẽ chi phối hành vi, khiến cho họ từ chối giúp đỡ người khác, mang tâm lý không có mình thì cũng còn rất nhiều người khác giúp, và mất nhiều thời gian cân nhắc đắn đo xem có nên giúp đỡ hay không, giúp họ thì mình mất gì được gì.
Cũng có thể vì ham muốn vật chất quá rõ ràng mà những người vô cảm thường xuất hiện dưới dáng vẻ kẻ lạnh lùng, ích kỷ, chỉ biết sống cho riêng mình.
Mức sống của con người đang ngày một nâng cao, từ lối sống tập thể, làng xã, con người dần bị cuốn vào guồng quay của công việc, mưu sinh và không còn thời gian để gắn kết. Vết keo ấy cứ bong dần ra, cho đến khi con người trong tập thể dần tự bao bọc bản thân bằng một lớp kén. Lớp kén này sinh ra lớp kén khác và chúng nhìn nhau để trưởng thành.
Trong bài viết này, chúng mình muốn nói nhiều hơn về “nỗi đau” của những người vô cảm, những người vô tình đánh mất đi trắc ẩn của bản thân.
2. Nguyên nhân của căn bệnh vô cảm
Những phản hồi trên các diễn đàn, trong các bài viết thường quy tụ nguyên nhân chính vào sự ích kỷ, thực dụng của con người, tức là nguyên nhân từ chính cá nhân người vô cảm.
Thế nhưng, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng, con người đặt trong một xã hội với mối quan hệ chồng chéo nhau, chịu ảnh hưởng của vô số quan điểm, vô số lối sống. Vì thế, bên cạnh chủ nghĩa cá nhân quá cao, căn bệnh vô cảm còn xuất hiện từ những lý do sau:
Người vô cảm - Nạn nhân của vô cảm
Để hình dung rõ hơn về điều này, bạn có thể tự đặt mình vào trong câu chuyện.
Bạn đang đi trên đường, không may bị va quệt và ngã xuống giữa lòng đường xe cộ đông đúc. Thế nhưng, thay vì giúp đỡ, người ta lẳng lặng đi qua, thậm chí có vài người cục cằn còn buông lời nhiếc mắng vì bạn chắn đường của họ.
Bạn dừng chờ đèn đỏ, đến lúc đèn xanh thì xe khởi động mãi không lên. Trong khi bạn cố gắng đẩy xe gọn vào vỉa hè, thì vẫn có những người đi ngang qua và nói vài lời không mấy tốt đẹp.
Đôi khi, bạn tự nhủ rằng đó là chuyện xui rủi không may, cứ quên đi là được. Nhưng lần một, lần hai bạn có thể quên mất, lần ba bạn sẽ cảm thấy tủi thân nhiều hơn một chút, và đến vài lần sau, bạn cũng sẽ tự từ bỏ hy vọng rằng mình sẽ được cuộc sống yêu thương. Dần dần, bạn cũng chọn cách lặng thinh với cuộc sống, để dù có chuyện gì xảy ra cũng không còn bị tổn thương nữa.
Tính cách không phù hợp số đông
Trong mọi tình huống, những người có xu hướng hướng ngoại thường khá tỏa sáng ở trong công ty, trường học, đoàn thể. Còn những người có xu hướng hướng nội lại thường im ắng hơn, ưa thích việc tận hưởng không gian cá nhân. Thế nhưng số đông không cho là vậy. Mang theo định kiến hướng ngoại, họ thường đặt kỳ vọng hướng ngoại lên mỗi người, thực hiện sàng lọc người hướng ngoại và cô lập người hướng nội. Một số người hướng ngoại có thể không nghĩ như vậy, nhưng hiệu ứng đám đông đa phần chi phối hành động của họ, lôi kéo họ vào trong suy nghĩ chung, lâu dần họ cũng sẽ bị thuyết phục rằng hướng ngoại là điều tuyệt vời nhất.
Những người hướng nội trong môi trường đó thường chọn cách đóng băng cảm xúc, hoặc ùa theo học những người hướng ngoại. Điều đó chỉ khiến cho cơ thể và tinh thần đều rệu rã, và khi ấy, lòng trắc ẩn cũng là một thứ xa xỉ vì họ đã quá mệt mỏi với những cảm xúc rối bời tại tập thể của mình. Kết thúc giờ học giờ làm, họ chỉ muốn nhanh chóng quay về nơi được là chính mình, vậy nên, họ cũng chọn cách bỏ qua việc giúp đỡ ai đó để cho người khác làm.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao họ không thay đổi môi trường?
Ngoài yếu tố khách quan, còn là vì họ sợ hãi. Họ sợ rằng đến môi trường nào cũng phải sống cùng định kiến ấy, mất thời gian để học tập hướng ngoại một lần nữa, và họ thì không đủ sức khỏe tinh thần để duy trì. Bởi vậy, trước khi trở thành người vô cảm, họ cũng đã từng kỳ vọng được ai đó giúp đỡ, được thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực do định kiến mang lại.
Xem thêm: Định kiến xã hội hướng ngoại - người hướng nội xoay sở ra sao?
Xuất phát từ sự thất vọng với xã hội
Trạng thái này xảy ra khi người có lòng trắc ẩn, thực hiện những hành động giúp đỡ người khác, nhưng kết quả là người ta không những không cảm kích mà còn tỏ ý phán xét.
Ví dụ như câu chuyện về một đôi vợ chồng tốt bụng giúp đỡ bác gái không may bị tai nạn giao thông, kết quả lại bị cả gia đình người đó kiện ngược trở lại, đổ lỗi là người gây ra tai nạn từng lùm xùm trên mạng xã hội. Thử hỏi nếu không có những minh chứng từ camera, hai người tốt kia sẽ phải tốn thời gian như thế nào để kết thúc kiện tụng.
Những vụ việc như thế này không hề ít, những lần người được giúp đỡ không biết nói lời cảm ơn lại càng không thiếu. Lâu dần, họ sẽ tự hỏi, việc làm của mình liệu có thực sự cần thiết không?
Vì thế, đôi khi những người vô cảm chỉ là những người tốt đang chịu tổn thương, e ngại trước lòng trắc ẩn của chính mình.
Căn bệnh của những người thiếu tình yêu thương
Tình yêu thương là cái nôi nuôi dưỡng trái tim và cảm xúc của mỗi người. Trong những bộ phim truyền hình mà bạn hay xem, trong những người xuất hiện ở xung quanh bạn, những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương đều mang ánh sáng của sự lạc quan, hạnh phúc và có những cảm xúc tích cực. Lòng trắc ẩn của những người như vậy lúc nào cũng đong đầy và họ luôn sẵn sàng đem lòng tốt gửi gắm khắp mọi nơi.
Thế nhưng, ngược lại, một đứa trẻ nếu không được giáo dục đúng cách, không được nuôi dưỡng trong sự sẻ chia, yêu thương của gia đình thì rất dễ đánh mất lòng trắc ẩn. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi không gian mạng là nơi trú chân hàng ngày của con người, khi một người thiếu thốn tình yêu thương, họ cũng có xu hướng cách biệt với xã hội, cắt đứt những kết nối, vùi mình ở thế giới ảo. Họ không hoàn toàn vô cảm nhưng họ chọn cách xa lánh các vấn đề, vì không biết phải xử lý như thế nào, và cũng không đủ dũng khí để an ủi một ai đó.
Gợi ý: Nghệ thuật giao tiếp cùng con trẻ - làm thế nào để thấu cảm?
Không phải bất cứ người nào thiếu tình yêu thương cũng đều trở thành người vô cảm, nhưng nó vẫn là nguyên nhân chính khiến cho trái tim của một người bị đóng băng. Nếu cảm xúc và tinh thần không được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương, thì một người sẽ bị khuyết thiếu không chỉ tình yêu, mà còn cách yêu. Và phải mất rất lâu để họ tìm lại được lòng trắc ẩn của mình.
Những người vô cảm bị coi là thiếu đạo đức, nhưng nhìn ở các góc độ trên, họ cũng chỉ là một nạn nhân của vô cảm, nạn nhân của những bất hạnh và thiếu may mắn. Dù những nguyên nhân đó không thể biện giải hoàn toàn cho căn bệnh vô cảm, thì tất cả chúng ta cũng nên nhìn nhận khách quan hành vi của một người từ nhiều góc độ, bởi vì con người không cô độc lớn lên giữa núi rừng, mà lớn lên trong một cộng đồng người, là phản ánh của cộng đồng đó khi trưởng thành.