Trong các cuộc hội thoại tiếng Anh, những người tham gia ngoài việc gọi nhau bằng tên thì đều sử dụng ngôi xưng “I” - ‘you” cho bất cứ phân cấp thứ hệ nào thuộc tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Thế nhưng, trong hoạt động giao tiếp thường ngày của người Việt, danh xưng là một yếu tố quan trọng không kém góp phần tạo ra sự thành công và thâu tóm tâm lý những người tham gia. Danh xưng trong giao tiếp của người Việt được sinh ra từ quá trình trưởng thành của nền văn minh với độ dày của nền văn hóa. Nếu xưng hô không chính xác sẽ khiến cho cuộc giao tiếp rơi vào tình trạng lúng túng, gây mất lòng hoặc hiểu lầm. Vậy, trong khi thực hiện nghi thức danh xưng cần chú ý điều gì và phải ứng dụng giao tiếp như thế nào? Cùng WeStudy ghi lại những điều lưu ý đó nhé!!

Danh xưng - một công cụ giao tiếp phong phú

Danh xưng, hay còn gọi là từ ngữ xưng hô chính là cơ sở giao tiếp và là điểm chạm đầu tiên của những người tham gia hội thoại. Trước khi truyền đạt thông tin, những người tham gia thường thống nhất danh xưng với nhau để đảm bảo giao tiếp thoải mái và thuận lợi. Đặc biệt, ở Việt Nam, số lượng từ ngữ xưng hô vô cùng phong phú, không chỉ giới hạn ở tôi - bạn mà còn mở rộng đến:

Phân cấp thế hệ: ông, bà, cô, chú, anh, chị,...

Phân loại nghề nghiệp: người kỹ sư, tay luật sư, vị bác sĩ, anh cảnh sát,...

Phân cấp địa vị: sếp, lãnh đạo,...

Minh họa khái niệm trung tâm cuộc gọi

Ngoài ra, xưng hô trong giao tiếp có thể sử dụng tên thay cho các phân loại trên. Những phân loại này cũng quyết định chủ thể ở ngôi thứ nhất sẽ xưng là tôi, tao, tớ, con, cháu, em,... tương ứng. 

Trong trường hợp không biết rõ các yếu tố tuổi tác, nghề nghiệp của một người, chúng ta thường sẽ dựa trên độ tuổi để cân nhắc hợp lý xem nên gọi bằng danh xưng nào. Ví dụ, đối với những người có vẻ ngoài trung niên già lão, thường xưng cháu gọi cụ hoặc ông, bà, bác,... Với những người ngang tầm độ tuổi của chủ thể nói, để biểu thị tôn trọng, thường xưng hô trung tính mình - bạn hoặc anh, chị - em. 

Xem thêm: Nghệ thuật đối thoại của Socrates: "Tôi biết rằng tôi không biết gì cả".

Tuy nhiên, cũng chính sự phong phú trong danh xưng này gây ra một vài tình huống bối rối. Ví dụ, bạn biết một người có giới tính sinh học là nữ, nhưng lại cắt tóc ngắn, mặc trang phục nam tính, và bạn chọn gọi họ là chị, là cô. Vậy, cách gọi này có đúng không? Để xử lý được tình huống giao tiếp này, chúng ta cần chú ý, trước khi nêu ra danh xưng, bạn hãy hỏi danh xưng mà họ mong muốn. Bởi vì, vẻ bề ngoài có thể là sở thích riêng, nhưng cũng có thể là một cách thể hiện giới của những người chuyển giới nam. Chính vì thế, để người nghe không bối rối và giúp bạn trở nên tinh tế hơn, khi không xác định được từ ngữ xưng hô, bạn có thể truy cầu ở người nghe. 

Chúng ta trưởng thành với những lời răn dạy dĩ hòa vi quý, tình làng nghĩa xóm, anh em như thể tay chân,... đủ để thấy sự đoàn kết chặt chẽ về mặt tinh thần của những người dân Việt Nam. Đối với người Việt, xã hội là một gia đình. Bởi tính chất gia đình ấy, trong giao tiếp thường ngày, người ta luôn tránh xưng hô tôi - bạn (một kiểu xưng hô trung tính nhưng cũng xa lạ), mà hướng tới những danh xưng thân cận nhất. Bất cứ người lớn tuổi nào cũng là ông, bà, bất cứ người trung niên nào cũng là chú, bác. Những xưng hô thân cận này sẽ được ghép với xưng hô phân loại nghề nghiệp, chức vụ vừa thể hiện tôn trọng, vừa giảm bớt khoảng cách và sự xa cách trong quan hệ xã hội như chú cảnh sát, anh giao hàng, chị hướng dẫn viên,...

Xưng hô đúng mực - chìa khóa thiện cảm trong giao tiếp

Xưng hô đúng mực là bước đánh giá đầu tiên người khác dành cho bạn. Bởi vì:

Xưng hô gắn với quan hệ tình cảm

Trong gia đình, từ ngữ xưng hô là cần thiết vì nó thể hiện bạn thực sự tôn trọng những phân cấp thế hệ, tôn trọng những người lớn tuổi hơn, những người giáo dục và yêu thương mình. Đồng thời, nó cũng là tình cảm của bạn dành cho những người thân yêu. Bởi vì, khi bạn yêu họ, những danh xưng mà bạn cất lên như “Ông ơi!”, “Bà ơi!”, “Mình ơi!” đều là sợi dây gắn kết hai tâm hồn, thổi bùng lên những yêu thương. 

Thời gian chất lượng trong minh họa khái niệm tự nhiên

Thế nhưng, trong môi trường xã hội, đặc biệt với những người xa lạ, bạn cần có sự cẩn trọng khi lựa chọn hơn. Với những người tầm tuổi của bạn, hãy lựa chọn xưng hô an toàn “mình - bạn”, “tớ - cậu”, “tôi - bạn”. Trong các nhóm bạn chơi thân thường xưng hô “tao- mày”, nhưng đó chỉ là cách xưng cởi mở của những người quen thuộc về nhau, là hai từ không quá mỹ miều nhưng khiến cho câu chuyện được thoải mái hơn. Còn ở những lần đầu gặp gỡ, làm quen, “tao - mày” không được khuyên dùng vì nó khiến người nghe danh xưng cảm thấy bất ngờ và khó chịu. Bởi vì, chúng ta đều thích nghe lời hay ý đẹp. Lúc chưa có mối gắn kết để thực sự là bản thể cá nhân thì hãy giữ lại xung động xưng hô đó. 

Đối với những người lớn tuổi hơn, hãy cứ tiếp tục áp dụng các phân cấp thế hệ để lựa chọn danh xưng phù hợp với tuổi tác. Người Việt Nam đã trải qua nhiều đời với thuyết giáo tôn ti, chính vì vậy, vai vế trong giao tiếp cực kỳ quan trọng và bất cứ sự vô lễ nào cũng đều bị ghét bỏ, chỉ trích. Đó là lý do mà lựa chọn từ xưng hô trở thành một chuẩn mực đánh giá con người giao tiếp, vì nó hội tụ học thức, sự nhạy cảm tinh tế, thái độ và biểu cảm của người nói. 

Xưng hô đúng mực là hành vi giao tiếp khéo léo

Bên cạnh những xưng hô thân cận giúp kéo gần khoảng cách, việc lựa chọn từ ngữ xưng hô cũng có liên quan mật thiết với nghề nghiệp, chức vụ và hoàn cảnh giao tiếp. 

Nếu bạn để ý những khi ông bà hay cha mẹ đưa giấy vụn, sắt vụn đi bán, thường những người thu mua đều được gọi chung là “đồng nát” với tiếng gọi quen thuộc “Đồng nát ơi, ở đây có đồ này”. Hoặc trong môi trường công ty, những người lãnh đạo thường được gọi với danh xưng “sếp” gắn liền với mức độ quản lý của họ như sếp phó, sếp tổng,...

Minh họa khái niệm huấn luyện viên

Thế nhưng, cũng có những trường hợp yêu cầu nghi thức giao tiếp chuyên nghiệp, thông thường chức danh sẽ được nêu ra đầy đủ cùng với họ tên. Ví dụ, trong những buổi lễ trao giải, hoặc trong các kỳ họp lớn, khi đặt câu hỏi và mời người trả lời, người dẫn chương trình đều đọc đầy đủ chức vụ đương nhiệm và họ tên của người trả lời. Điều này khẳng định vị thế của cá nhân đó, đồng thời nhắc các thính giả, khán giả không quên hình ảnh của nhân vật này. Trong hoàn cảnh xã giao chuyên nghiệp, bạn không thể xưng em gọi sếp, xưng cháu gọi chú mà phải xưng hô đúng chức vụ, như một sự thừa nhận, tôn trọng và biểu hiện khách quan. 

Xưng hô có tính biến động

Môi trường hoàn cảnh thay đổi, danh xưng cũng thay đổi. Tình huống thay đổi, danh xưng cũng lay chuyển theo đó. 

Khi các bạn đang trong tình yêu, danh xưng vẫn chỉ là anh - em, cậu - tớ. Nhưng khi các bạn đã kết hôn, được sự chứng nhận hợp pháp, danh xưng lại được đổi thành vợ - chồng, anh/ em - mình,... Khi các bạn cãi vã, xung đột, sự giận dữ khiến các bạn không còn muốn có liên kết thân cận nào với đối phương, danh xưng lại biến động lần nữa, trực tiếp tự xưng “tôi” để thêm khí thế không nhún nhường. 

Gợi ý: Âm thanh từ cảm xúc và sự thể hiện qua giọng nói

Danh xưng có quan hệ mật thiết với cảm xúc, tình cảm của người nói. Nếu bạn quan sát tỉ mỉ, bạn sẽ nhận thấy những biến động danh xưng có thể diễn ra theo sự phát triển của mối quan hệ, nhưng cũng có thể bị phai nhạt do mối quan hệ tan vỡ. 

Nhiều người cho rằng lựa chọn danh xưng khó, có gì gọi đó là nhanh nhất. Thực chất, trong quá trình trưởng thành, bạn đã luôn học những bài học danh xưng từ cha mẹ và những người xung quanh. Những bài học ấy hiện ra rõ ràng trong giáo trình đối nhân xử thế mà bạn thu thập được qua mỗi tuổi mới. Vì vậy, nó cũng trở thành hành trang quan trọng để bạn trở nên khéo léo và duyên dáng hơn trong giao tiếp.