Teamwork là chuyện khiến cho nhiều người phải trăn trở. Trong môi trường Đại học, chúng ta đã không ít lần phải lúng túng khi nhận chủ đề từ thầy cô nhưng không biết cách triển khai, cả nhóm đều không biết làm powerpoint, hay phát sinh tranh cãi do quan điểm không đồng nhất khiến quá trình thảo luận gặp khá nhiều trắc trở.

Đến khi đi làm, đồng nghiệp cùng nhóm có người tích cực, nhưng có người lại không tham gia đóng góp, chậm deadline hoặc kết quả bàn giao kém khiến cho chất lượng của team đi xuống.

Trong bất cứ tình huống nào, bên cạnh năng lực thì các kỹ năng liên quan đến tổ chức nhóm, phân công công việc,... cũng vô cùng quan trọng, quyết định sự phối hợp chặt chẽ của nhóm. Đây cũng là điều mà các nhà lãnh đạo tìm kiếm ở nhân viên của mình. 

Nhiều người thường hay lầm tưởng rằng, teamwork chỉ thực sự hiệu quả khi có một người lãnh đạo tốt. Tuy nhiên, người lãnh đạo trong quá trình teamwork sẽ có vai trò như một người hỗ trợ định hướng, tổng hợp ý kiến và đưa ra quyết định. Ngoài điều đó ra, các thành viên có vai trò và trách nhiệm tương tự nhau. Vì thế, muốn giải quyết vấn đề teamwork thì bản thân mỗi thành viên phải có ý thức trau dồi các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ và bổ trợ lẫn nhau. Hãy cùng WeStudy khám phá một số kỹ năng giúp cho quá trình teamwork hiệu quả nhé!!

Teamwork là gì?

Theo nghĩa thông thường, Teamwork được coi là sự hợp tác của một nhóm người nhằm đạt mục đích trong một hay nhiều nhiệm vụ. Ở Việt Nam, Teamwork là quá trình làm việc nhóm. 

Xét theo ý nghĩa hẹp, Teamwork là một đội nhóm có số lượng người cụ thể, chỉ định những công việc cụ thể. Ví dụ, một đội bóng, một đội nhảy,... và các thành viên trong đội nhóm đó sẽ có vai trò nâng đỡ thành công của đội nhóm mình. Như vậy, trong một nhóm, thành viên vẫn được đánh giá là thành viên giỏi với giá trị được gắn liền với đội nhóm của mình. 

Điển hình cho hoạt động nhóm kiểu này vô cùng phổ biến. Bạn hoàn toàn có thể nằm trong tình huống như vậy khi làm việc trong trường học, trở thành người xuất sắc của nhóm, và vì thế nhóm bạn cũng sẽ được đánh giá là nhóm xuất sắc khi đạt được thành tích tốt. Hay câu chuyện của đội bóng Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang Seo, có những cầu thủ tên tuổi như Hùng Dũng, Văn Hải,... Họ được gọi là những cầu thủ xuất sắc và đội bóng Việt Nam được người dân gọi là đội bóng xuất sắc. Thành công của một cá nhân được tạo ra bởi đội nhóm, và vì thế, nó luôn luôn vận hành với đội nhóm mà nó thuộc về. 

Vỡ òa trong niềm vui, HLV Park Hang Seo nói “đây là chiến thắng của người  dân Việt Nam”

(Nguồn hình ảnh: Baoquocte.vn)

Xét theo ý nghĩa rộng, đôi khi Teamwork cũng được đánh giá một cách trừu tượng mà không thể hiện cụ thể ở các quyết định thành lập, phân chia nhóm làm việc. Ví dụ, trong thời kỳ Đại dịch Covid-19 kéo dài vài năm qua, trong khi Trung Quốc vẫn đang thực hiện chế độ Zero Covid, các hoạt động tạm ngưng trệ thì Việt Nam đã nhanh chóng vượt qua được thời kỳ khó khăn, vực dậy nền kinh tế và các hoạt động xã hội. Nhìn vào Việt Nam hiện tại, bạn bè khắp quốc tế đều phải dành những lời khen có cánh về tinh thần, ý chí người Việt. Bên cạnh đó, trong thời điểm khó khăn, cả Chính phủ và người dân đều đồng lòng giúp tất cả những người khốn đốn được ổn định trước khi mở cửa xã hội trở lại: các chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê, chính sách hỗ trợ sinh viên và người thất nghiệp được triển khai, những món quà nghĩa tình như gạo, dầu, muối, rau củ,... cũng đã đưa lửa giữa ngày đông. Tinh thần đoàn kết xã hội đó, chính là sự hiện diện của Teamwork một cách trừu tượng và ngẫu nhiên. Không ai nhắc người dân phải hy sinh của cải, thời gian, sức lực, không ai bắt họ tham gia vào đội nhóm tình nguyện, nhưng cái tình cảm cố nhiên đã dựng xây nên tinh thần Teamwork - hướng tới mục tiêu xã hội ổn định và tốt đẹp. 

Những vấn đề tiêu cực thường xảy ra khi Teamwork

Teamwork giống như việc bạn hợp lại một nhóm người không hiểu biết gì về nhau, từ cá tính, sở thích đến năng lực, và cho họ vào ở chung một căn nhà. Tức thì, những khuyết điểm sẽ nhanh chóng bộc lộ ra. Chỉ cần một cá nhân bất hòa với nhóm chung, thì nhóm đấy sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động, hoặc và chất lượng tinh thần. 

Các vấn đề tiêu cực có thể xảy ra khi Teamwork bao gồm:

1. Khi Teamwork nhưng chỉ có một người “work”

Sự lười biếng, thái độ ỷ lại, thiếu trách nhiệm là những nguyên nhân khiến cho câu chuyện Teamwork thiếu người này, người kia diễn ra ở rất nhiều nơi. Tuy nhiên, nó sẽ dễ thấy hơn ở môi trường Đại học, khi các bạn sinh viên được ghép lập thành nhóm, vẫn còn sự rụt rè, chưa có kỹ năng tổ chức nhóm và phân chia công việc nên khiến cho các thành viên thiếu gắn kết và không mặn mà với công việc. Những phần tử lười biếng càng có cái không gian yên ắng để đùn đẩy công việc. Ở Đại học, tâm thế của những kẻ đùn đẩy là vì không quá quan tâm đến kết quả và không sợ vì chẳng có hình phạt nào quá nghiêm trọng cho kẻ không làm việc. 

Đến môi trường công sở, những kẻ đùn đẩy tin rằng, ngay cả khi họ không làm thì những người khác vẫn phải hoàn thành vì nó ảnh hưởng đến tiến độ dự án, bàn giao với sếp, chuyện việc làm. Thay vì mặc kệ, họ thường dùng chiến lược tâm lý, khiến người khác mềm lòng bằng cách năn nỉ, van xin, nhờ vả. Vì không thích làm to chuyện, nên nhiều người đã chọn bỏ qua. 

2. Teamwork 100% nhưng không có kết quả tốt

Ai cũng tham gia, ai cũng đóng góp, ai cũng làm việc, thế nhưng kết quả cuối cùng lại bị đánh giá thấp, nguyên do là ở đâu? 

Nguyên nhân thứ nhất, nó bắt nguồn ở điểm định hướng nội dung và dòng chảy dự án. Đây là yếu tố quyết định giúp bạn triển khai dự án đúng hướng và hiệu quả, nếu bạn sai từ bước này thì các phát kiến sau đó đều không mang lại giá trị nào cả dù có sâu sắc đến đâu. Định hướng sai có thể đến từ leader, cũng đến từ các thành viên nhóm. Tất cả mọi người cùng tham gia đóng góp và đồng thuận với các đóng góp đó, không có sự chọn lọc khiến nội dung giống như một kho chứa lộn xộn và thừa thãi, thậm chí là xa rời chủ đề. 

Căng thẳng.  các đồng nghiệp cùng làm việc trong văn phòng hiện đại bằng cách sử dụng các thiết bị và tiện ích trong cuộc họp sáng tạo.

Đồng thời cũng cần tránh cảnh ai làm việc của người đó.  Trong bộ phim 911, những người lính cứu hỏa lúc nào cũng lên kế hoạch xử lý và phối hợp với nhau nhuần nhuyễn trong từng công đoạn để có thể cứu người nhanh nhất và tốt nhất. Những vị trí đó đều được phân chia rõ ràng, người giữ vai trò đóng chắc dây cứu hộ, người cứu hộ và người hỗ trợ, người phụ trách y tế hiện trường,... Các công đoạn đó đều nối tiếp nhau và hỗ trợ cho nhau. Từ câu chuyện ấy, chúng ta cần nhìn ra cách thức làm việc nhóm, là một tiến trình có sự phối hợp. Nếu mỗi cá nhân làm việc độc lập, thông tin có thể đủ nhưng lại không thể tạo ra thành công vì nó không gắn kết với nhau. 

Nguyên nhân thứ hai, chỉ làm mà không đóng góp ý kiến. Ví dụ, khi triển khai dự án “Ra mắt thương hiệu Cộng Caphe tại tỉnh Sơn La” thay vì cùng ngồi lại hoạch định chiến lược, nghiên cứu các bước triển khai thì các thành viên chỉ chăm chú làm theo chỉ đạo của leader. Và những yêu cầu của leader lại không bám sát vào thực tế thị trường tại tỉnh Sơn La, mà lại dùng các bước phát triển tại khu vực Hà Nội. Những trường hợp tương tự như thế xảy ra không ít, xuất phát từ các khuyết điểm như: thành viên không đủ năng lực để nhận biết sự thiếu sót của dự án, thành viên không muốn đóng góp, chỉ muốn an ổn làm cho xong việc của mình,... Những nhóm làm việc kiểu này trong dự án nhỏ dạng bài tập sẽ không có quá nhiều vấn đề xảy ra, nhưng nếu duy trì đến các dự án lớn hơn, chắc chắn sẽ có những hậu quả về tài chính xuất hiện.  

Nguyên nhân thứ ba, đóng góp sai cách, nhiệt tình không đúng lúc. Trong quá trình làm việc nhóm rất cần sự hăng hái, nhiệt tình, tuy nhiên, nếu bạn không biết cách điều khiển nó, việc gì cũng muốn đụng tay vào làm mà không suy xét tới năng lực cá nhân thì mọi thứ đều sẽ hỏng. Ví dụ, bạn không hiểu biết gì về thiết kế, cũng không thành thạo vi tính, nhưng lại nhận khâu chuẩn bị powerpoint, đây chính là điển hình của những người “không biết tự lượng sức mình”, nhiệt tình thành phá hoại. 

3. Tranh cãi và bất đồng ý kiến

Khi không thể thỏa thuận đi tới một quyết định cuối cùng, tranh cãi sẽ xảy ra. Đặc biệt trong một nhóm, có những tính cách và tư duy khác nhau, nếu không có người đứng ra điều hòa, sự tranh cãi sẽ dần biến thành sự bực dọc và khó chịu trong suốt một thời gian dài vì không ai công nhận người còn lại. 

Những khúc mắc ngầm này nhìn như không có ảnh hưởng gì, nhưng nếu tiếp tục giữ nguyên đội hình thành viên, nó sẽ trở thành con sâu khoét mòn tinh thần của nhóm, ảnh hưởng tới chất lượng công việc. 

Nữ doanh nhân tức giận đeo kính mắt dựa vào bàn trong khi la hét với nhân viên trong văn phòng hiện đại

Những kỹ năng giúp Teamwork hiệu quả

Teamwork là một kỹ năng quan trọng đối với mỗi người, nhưng chính bản thân Teamwork lại là sự tổng hòa của nhiều kỹ năng khác nhau để tạo ra một ứng cử viên sáng giá cho đội hình làm việc nhóm lý tưởng. 

1. Kỹ năng giao tiếp

Giao tiếp là hoạt động xã hội thường ngày, giúp trao đổi thông tin và tạo ra tương tác trong các mối quan hệ. Có người quan niệm rất đơn giản, giao tiếp là nói chuyện, mà nói chuyện thì ai cũng làm được. Thế nhưng, nếu kỹ năng giao tiếp chỉ đơn thuần là nói chuyện, thì bạn sẽ không thể biết được phải khuyên nhủ thế nào, phải cổ vũ ra sao, phải thuyết phục bằng cách gì, và nó chỉ là nói một cách đơn phương không có sự lắng nghe. 

Như vậy, trong quá trình làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp cần vận dụng một cách linh hoạt để:

- Thảo luận ý kiến một cách thẳng thắn, sẵn sàng chỉ ra lỗi sai mà không làm mất lòng của nhau.

- Tranh luận trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và có đủ sức thuyết phục.

- Thấu hiểu đối tác, nắm bắt tính cách và phong cách của mỗi thành viên, không chỉ trao đổi mà còn là chia sẻ kiến thức. 

- Tránh những khúc mắc, hiểu lầm,... ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động nhóm.

- Điều hòa không khí và tinh thần làm việc của cả nhóm, không chỉ nói chuyện công việc mà còn tạo ra những câu chuyện vui vẻ, mọi người sẵn sàng tham gia vào những cuộc trò chuyện đó. 

Xem thêm: Làm thế nào để người khác muốn nghe bạn nói. 

Tựu trung lại, kỹ năng giao tiếp cũng là một phần của hoạt động phát triển văn hóa làm việc nhóm. Khi các thành viên được kết nối, họ sẽ không hoạt động độc lập mà biết chia sẻ những điều hữu ích với thành viên khác và hài hòa khi phát sinh tranh cãi.

2. Kỹ năng tổ chức công việc

Nếu kỹ năng giao tiếp là nền tảng cho mối quan hệ nhóm thì kỹ năng tổ chức công việc là nền tảng cho sự hoạt động của nhóm. Kỹ năng tổ chức công việc của người lãnh đạo và mỗi thành viên tốt, hiển nhiên dự án sẽ đạt được thành công, nhưng nếu lãnh đạo và thành viên đều mông lung với những điều mình đang làm thì dù có chèo mỏi tay cũng không tới bến. 

Các doanh nhân trẻ và nữ doanh nhân Châu Á vui vẻ gặp gỡ các ý tưởng động não

Vì thế, khi tổ chức công việc nhóm, bạn cần thực hiện lần lượt các bước sau:

- Đầu tiên, xác định những thông tin cơ bản liên quan đến dự án, tức là những nội dung mang tính chất cố hữu, được cung cấp từ phía lãnh đạo của nhóm. 

- Từ cái cố hữu sẵn có đó, nhóm trưởng và các thành viên cần tiến hành xác định các thành tố của nó, bao gồm một số vấn đề như mục tiêu, đối tượng, điểm mạnh yếu, cơ hội và thách thức, phương hướng triển khai mới. Để có được thông tin cho những thành tố này, nhóm cần tiến hành khảo sát thị trường, nhân khẩu, nghiên cứu tri thức trong tài liệu liên quan. Sau đó, tổng hợp tất cả các bản điều tra, tiến hành phân tích lần lượt các kiến nghị và ghi lại trên bảng chung để tất cả mọi người cùng thống nhất. 

- Khi đến bước hiện thực hóa kế hoạch, cần giao đúng người đúng việc, nhận đúng việc đúng năng lực. Người nhiệt tình nhất không có nghĩa là người giỏi nhất. Vì thế, bản thân thành viên cần nhìn nhận rõ ràng khả năng phát huy thế mạnh của bản thân và nhóm trưởng cần cân nhắc khi giao việc. 

- Để thực hiện công việc hiệu quả, hãy lập bảng theo dõi tiến trình công việc. Mỗi đầu công việc, hãy chia nhỏ từng bước, mỗi bước sẽ có một deadline riêng. Đến deadline, thành viên cần hoàn thiện và gửi nội dung đó cho cả nhóm. Hiện nay, các tiến trình theo dõi công việc đang trở nên phổ biến, phù hợp nhất với hoạt động nhóm chính là Google Drive - quản lý file trực tuyến và Trello - bảng làm việc nhóm mới phát triển. 

Bên cạnh đó, việc quản lý tổ chức công việc của cá nhân cũng rất quan trọng. Để tránh tình trạng deadline dồn đến nơi vẫn bí ý tưởng, vẫn chưa làm được gì hoặc deadline đè deadline thì bạn cần có một chỗ take note dành riêng cho mình. Vận dụng cách ghi chép sáng tạo hình và chữ - sketchnote - bạn có thể tạo ra một bảng ghi chép phong phú và dễ theo dõi, đặt ngay tại bàn làm việc. 

Gợi ý: Phương pháp ghi chép quản lý cuộc sống dễ dàng hơn. 

3. Kỹ năng nghiên cứu và khả năng sáng tạo

Nghiên cứu và sáng tạo luôn luôn đi liền với nhau để bạn có thể tự do sáng tạo mà không hề bị xa rời thực tế, vẫn bám sát mục tiêu chung và tạo ra hiệu quả thiết thực. 

Trong quá trình làm việc nhóm, khi tiếp nhận đầu mục công việc, bạn cần dành thời gian để xem xét và nghiên cứu nó. Ví dụ, khi bạn nhận một đề bài “Một sự kiện thực tế thể hiện hiệu ứng chim mồi”, bạn cần tham khảo các nghiên cứu về hiệu ứng chim mồi từ những cuốn sách, video chia sẻ khác nhau. Mỗi góc nhìn mới từ những tác giả khác nhau ấy không chỉ giúp bạn có thêm tri thức mà còn cùng bạn mở ra thế giới liên tưởng phong phú. Giờ thì với bạn, mọi thứ đều có những nhánh rẽ cần khai phá. 

Có thể bạn cho rằng, làm việc có trách nhiệm là được rồi, nhưng nếu trách nhiệm không đi liền với kiến thức và sự kết nối thì có chung team bao nhiêu lâu, làm lại bao nhiêu lần thì cũng không đưa ra những giá trị thực. Đó chính là điều mà mỗi người cần thay đổi, cần chú ý đến rèn luyện kỹ năng một cách toàn diện.