Các nhà phê bình văn học trong quá trình xây dựng hệ thống lý luận đã chỉ ra rằng, độc giả khi đọc một cuốn sách, chính là đang tham gia sáng tác một lần nữa với tác giả tác phẩm. Giống như những người đọc, những người thưởng thức hội họa cũng sử dụng đôi mắt để tiếp cận với hệ thống đường nét, màu sắc hiển hiện của một tác phẩm hội họa, sau đó chuyển tải chúng đến bộ não để lý trí và tinh thần cùng tiến hành phân tích, cảm nhận, lưu giữ. Chẳng khó để bắt gặp một người đàn ông vô gia cư cầm theo cuốn sách bên mình, và cũng chẳng khó để thấy những người lao động vui vẻ ngắm những bức tranh cổ động trên đường phố ngõ xóm. Chẳng khó để thấy những em bé lấm lem đang cười hạnh phúc vì bộ màu mới, trang giấy mới để vẽ ước mơ. Hội họa đã không từ chối bất cứ ai yêu mến và muốn cầm cọ, vậy thì, sự thưởng thức hội họa cũng không có một ranh giới hay phân tầng nào hết. Cùng WeStudy bước vào thế giới hội họa và tìm xem làm thế nào để ngắm nhìn những bức tranh đúng cách nhé!!

Những sai lầm phổ biến khi thưởng thức tranh

Như đã nhắc đến trong những bài viết về định kiến và tôn sùng khắc nghiệt đối với hội họa, nhiều người đang đặt hội họa ở một vị trí tách biệt với đời sống và coi nó như một bộ môn xa xỉ.

“Giàu mới học hội họa”.

“Xem đẹp nhưng chẳng hiểu gì”.

“Ôi trời ai thừa tiền mà mua tranh về xem”.

Tất cả những kết luận vội vã và sai lầm ấy đều đang khiến cho hội họa trở thành một cái vòng chật chội, tự bản thân mỗi người kéo nó lại và bước ra khỏi đó. Trong khi ấy, ngay từ thời kỳ nguyên thủy, người ta đã coi tranh vẽ như một công cụ lưu giữ lịch sử, dùng để giao tiếp, dùng để trao tặng hoặc buôn bán,... Sự trưởng thành của các chế độ xã hội, sự phân biệt về tầng lớp trong xã hội loài người đã cắm rễ ở tư tưởng con người rằng hội họa ở một mức độ nào đó là trừu tượng, cao quý và không dành cho những người nghèo. Hiểu lầm ấy tệ hại đến mức một thời gian dài người ta coi hội họa là cái nghề mây gió - không thể kiếm ra tiền và chẳng ai rảnh rỗi để nhìn ngắm tranh treo trên tường khi bản thân họ ăn hôm nay còn lo cho ngày mai. 

Xem thêm: Định nghĩa lại giá trị của hội họa: Đừng ngủ quên trong khắc nghiệt và tôn sùng 

Những tầng định kiến chồng chéo lên nhau khiến người ta đặt hội họa ra ngoài cuộc sống, hoặc coi nó như một vật trang trí, hoặc né tránh nó vì nó không dành cho mình. 

Tổng kết những hiểu lầm về thưởng thức hội họa, chủ yếu ở mấy vấn đề: 

Phủ nhận khả năng thưởng thức hội họa

Hội họa liệu có phải chỉ dành cho những nhà phê bình chuyên nghiệp? Rất nhiều người khi nhắc đến việc dành thời gian để ngắm một bức tranh, họ đã cho rằng hội họa không sinh ra để dành cho mình, rằng chính họ không có khả năng cảm nhận nó, hoặc quá ít hiểu biết để hiểu về nó. 

Thế nhưng, mỗi bức tranh được vẽ ra không phải để bạn đứng trước nó và phán xét rằng nó đang nói về điều gì. Đó là công việc của những nhà nghiên cứu. Còn với vai trò của một người thưởng thức, bạn chỉ cần thừa nhận những gì bạn hiểu được khi đứng trước bức tranh và những cảm xúc đang náo động trong tâm hồn bạn.

Khi nhìn thấy bức vẽ người vợ và cậu con trai của Claude Monet, với những mảng màu xanh êm dịu, bạn đã nghĩ gì? Các nhà nghiên cứu, các họa sĩ chuyên nghiệp, những người học hội họa sẽ truy tìm về mặt thủ pháp, đường nét, kỹ thuật phối màu, đổ bóng, còn chúng ta - những người ngoại đạo không cần thiết phải khát cầu nhiều như vậy, chỉ cần cảm nhận về hương vị bình yên, sự tươi đẹp của một khung cảnh mà Claude Monet từng chứng kiến. 

Ngắm tranh là tận hưởng sự rung động của tâm hồn người xem với rung động trong linh hồn tác giả. Có thể sự rung động ấy ở tần số khác nhau, nhưng trong quá trình tiếp nhận, nó sẽ có một điểm tiệm cận hoặc cắt ngang qua nhau. Đó là lý do vì sao bạn không cần thiết phải nghĩ chính xác những gì tác giả đã nghĩ khi ngắm một bức tranh. 

Tiếp cận hội họa sai mục đích

Để hoàn thành một việc gì đó, bạn cần vận động toàn bộ trí não, bao gồm cả tư duy và tinh thần. Vì thế, nếu bạn chỉ nhìn thoáng qua một bức tranh, nếu bạn mặc định nó là một sự trang trí, thì trong tiềm thức của bạn sẽ phát động một định kiến cố hữu dành cho quá trình thưởng thức: Những bức tranh khó hiểu. 

Ngày nay, hội họa đã được phát triển trong một kỷ nguyên văn minh cởi mở hơn. Những triển lãm tranh được mở ra để phục vụ mục đích giáo dục và lan tỏa nghệ thuật, giúp cho nghệ thuật hòa nhập vào đời sống đại chúng. Tuy nhiên, rất nhiều người lại biến việc thưởng thức hội họa trở thành một cơ hội để phô diễn, hay khoe mẽ sự theo đuổi nghệ thuật của mình. Đó là lý do vì sao, họ không bao giờ đọc hết những trang giới thiệu thông tin triển lãm, và cũng không bao giờ biết triển lãm đã lan tỏa điều gì sau khi thưởng thức xong nó. 

Đánh giá thấp giá trị của việc thưởng thức

Giống như những người đang đánh giá thấp giá trị của việc đọc sách, những người đánh giá thấp giá trị của việc thưởng thức tranh cũng có suy nghĩ tương tự. Khi nhìn thấy những tác phẩm hội họa nói riêng và những tác phẩm nghệ thuật nói chung, họ mau chóng đưa ra nhận xét rằng việc sáng tác chúng là vô nghĩa. Nhận xét này không khác nào một cây kéo cắt đứt những mầm mống nghệ thuật đang cố gắng đâm chồi trong tinh thần của họ. Và họ không biết được rằng, việc khuyết thiếu tế bào nghệ thuật theo hướng tự loại bỏ sẽ khiến một người trở nên khô khan và vô cảm biết bao nhiêu. 

Trong khi đó, thưởng thức hội họa, là quá trình tô màu thêm cho tư duy và tâm hồn, khiến nó được bao phủ bởi kiến thức, cảm xúc và những linh cảm thúc giục sự ra đời của những ý tưởng. Khi bạn cầm một chiếc gương soi, bạn sẽ nhìn thấy những dấu vết trên gương mặt. Khi bạn hướng mắt vào một bức tranh, tức là bạn đang soi tâm hồn mình vào tấm gương nghệ thuật, khơi dậy những nỗi niềm sâu thẳm của linh hồn. 

Làm thế nào để thưởng thức tranh đúng cách?

Để thưởng thức một bức tranh, bạn không cần phải trở thành một nhà phê bình hội họa tài ba, một họa sĩ chuyên nghiệp hay bất cứ nghệ thuật gia nào. Bạn chỉ cần nhớ, thưởng thức hội họa chính là sự soi chiếu linh hồn của bạn thông qua đường nét và màu sắc, tìm kiếm một điểm chạm trong bức tranh ấy để bạn bước vào thế giới mà họa gia tạo nên, giống như câu chuyện Alice lạc vào xứ sở trong gương. Sau đó, bạn chỉ cần luôn làm theo những điều sau:

Cởi trói những định kiến về hội họa. Chúng là tất thảy những gì bạn mặc nhiên về hội họa từ trước đến giờ, có những phủ nhận về khả năng hội họa của bản thân và những người xung quanh, có những phán xét về tác phẩm hội họa của ai đó, có những lảng tránh và thờ ơ khi đứng trước hội họa,... Tất cả những sắp đặt lỗi thời trong suy nghĩ của bạn đã đến lúc phải đưa vào máy tiêu hủy và tạo ra cho nó một môi trường mới, gieo mầm những tư duy tốt đẹp. 

PSD vẽ hoa miễn phí trong khung treo tường

Thừa nhận sự tồn tại của nhiều trường phái hội họa. Người có muôn vạn kiểu người, mỗi người lại chứa đựng một thế giới nội tâm với những rung cảm riêng, đó là lý do vì sao nhiều trường phái hội họa lại được sinh ra như thế. Thừa nhận các trường phái ấy, tức là thừa nhận những sự khác biệt trong tâm hồn. Có thể bạn cảm thấy, một vài bức tranh khiến bạn khó hiểu, nhưng đừng biến sự khó hiểu thành chê trách, thành xa lánh, đó chẳng khác nào bạn đang thực hiện hành vi chê bai những đứa trẻ da màu và thực hiện phân biệt đối xử. 

Dành thời gian đọc, ngắm, ngẫm và ghi chép. Để hiểu một bức tranh, bạn cần biết trước về người vẽ nó, về bối cảnh nó được ra đời, và nhiều hơn là thể loại mà bức tranh đang mang. Khi bạn đã có một vài thông tin cần thiết, bạn có thể đứng trước bức tranh, ngắm nghía và suy tưởng về nó, bước vào thế giới nó thể hiện. Nhưng nếu bạn không có quá nhiều thông tin, thì bạn cũng đừng ngần ngại, hãy vẫn cứ ngắm nhìn và dùng cả linh hồn để cảm nhận. Thứ bạn cảm nhận không phải thể loại, mà là câu chuyện, và kết quả của quá trình ấy có thể giống như tác giả, có thể không, cũng vẫn hoàn toàn hợp lý, vì đó là giá trị thiết yếu của thưởng thức nghệ thuật. Sau cùng, một cuốn sổ, một cây bút, một bức ảnh chụp lại bức tranh nếu bạn muốn, ghi chép những gì đã xảy ra giữa bạn và bức tranh, đó chính là tư liệu sáng tạo của bạn. 

Triển lãm “Lặng yên rực rỡ”: Những rung động nồng nhiệt của “Ấn tượng” và  “Thân mật” | VOV.VN

Nguồn ảnh: VOV.VN

Nếu bạn đặt ra câu hỏi, năng khiếu cảm thụ nghệ thuật có quan trọng không, thì hiển nhiên, nó quan trọng lắm. Nhưng nó là thứ sẽ giúp bạn đi xa hơn đến vai trò của một nhà nghiên cứu, nhà phê bình. Còn nếu bạn muốn thưởng thức tranh, thưởng thức bởi tình yêu hội họa, thì bạn đừng để câu hỏi năng khiếu đó ngăn cản mình. Đừng cố gắng chia rẽ hội họa với cuộc sống, vì khi bạn nhìn ngắm một bức tranh trong bình diện cuộc sống thường ngày, bạn sẽ nhận ra nó chẳng có gì trừu tượng cả, nó chỉ là hóa thân của linh hồn nghệ sĩ với những hình ảnh biến động do cuộc đời cung cấp.