The Artist - Đối thoại về bi kịch độc tôn nghệ thuật
The Artist mở ra với khung cảnh choáng ngợp trong phòng chiếu phim câm, những người ăn mặc lịch sự và đẹp đẽ, dàn nhạc giao hưởng vang lên du dương. Tất cả đều dồn sự chú ý vào một bộ phim không có tiếng người nói, và ngay cả khi họ phải chăm chú đoán ý qua biểu cảm, họ cũng rất vui vẻ. Ngôi sao của thời đại, George Valentin - trước khi cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế diễn ra vào năm 1929 - ông là người được săn đón trên màn bạc và khắp báo giới đại chúng.
Nguồn ảnh: Movies Silently
Nhưng sự ra đời đầu tiên của bộ phim tiếng - một kỹ thuật phim mới - đã phá tan giấc mộng và đỉnh cao ngự trị của George. Bất mãn với tương lai mà giám đốc hãng phim Kino vẽ ra, ông quyết định sẽ làm bộ phim câm của chính mình. Thế nhưng, dường như mọi bất hạnh đều đang đổ dồn lên ông vào thời điểm đó. Miller - cô gái mà ông có cảm tình - giờ đang dần thay thế tên của ông trên truyền thông. Và cám cảnh hơn là ngày công chiếu bộ phim câm ông tự tay đạo diễn, cũng là ngày mà ngôi sao mới Miller chiếu phim nói của mình. Như cái kết cần thiết của bi kịch, chỉ có lác đác hai người đến rạp phim xem phim câm, cái kết của bộ phim cũng đánh dấu thời kỳ sa lầy vào vũng cát thời đại cũ của George. Bộ phim không ăn khách, chứng khoán sụp đổ, ông ta phá sản, phải đi cầm cố đến bộ quần áo cuối cùng, chẳng còn ai biết đến diễn viên George mà họ từng tung hô ngày ấy.
Công chúng thay đổi nhanh đến chóng mặt, và khả năng thích ứng thời đại của họ cũng vô cùng nhanh nhẹn. Nhu cầu của họ là giải trí, niềm yêu thích của họ là những cái gì mới lạ, chẳng khó để giải thích lý do họ bỏ lại cái mà họ gọi là “thần tượng”, “tình yêu”. Đây cũng chính là thực tế đã từng xảy ra, nhiều nghệ sĩ Hollywood vì không theo kịp sự thay đổi của kỹ thuật điện ảnh, vì không thể từ bỏ cái tôi nghệ sĩ và thiên kiến nghệ thuật nên cuối cùng đã tự đào hố chôn mình.
Bi kịch của một người làm nghệ thuật chính là tự biến mình thành kẻ hết thời. Trong thời kỳ sơ khởi của Thơ Mới, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm chính là những điển hình của sự nuối tiếc thời đại và u uất với hình ảnh người tráng sĩ thất chí. Chính Nguyễn Tuân, một nhà văn ngạo nghễ, cũng đã từng rơi vào thời kỳ loạn văn với hàng loạt những ngôn từ chới với ở bến bờ nghệ thuật vị nghệ thuật, nghi ngờ về tương lai.
Bất cứ người soạn nhạc, người họa sĩ, người sáng tác văn chương,... nào cũng cần sống song hành với thời đại. Quá khứ là để hồi cố, nhưng không thể biến nó thành một vũng lầy và đắm chìm trong đó. Thời đại thay đổi để thích nghi với tốc độ phát triển của con người, là tất yếu của sự vận động thế giới vật chất, và thế giới tinh thần cần học cách hòa hoãn với nó.
Bản thân nhân vật George nhận thức được chính mình đang lạc lõng và cô độc trong một thời đại điện ảnh mới, tuy nhiên, sự tự mãn và độc tôn nghệ thuật khiến ông ta trở nên khó khăn trong việc tiếp nhận nghệ thuật mới. Ông ta chấp nhận đói nghèo, cũng không muốn đánh mất đi bản ngã của mình.
Đây cũng là một vấn đề mâu thuẫn và trăn trở đối với những người làm nghệ thuật, khi phải đối diện với lý tưởng nghệ thuật và cuộc sống thực tại. Liệu có cách nào vẫn duy trì lý tưởng của mình mà vẫn sống thực tế không? Hoàn toàn không thể. Người nghệ sĩ buộc phải bỏ ra một phần lý tưởng, chuyển hóa nó thành sự hòa hoãn và chấp thuận phụng sự cho thương mại, cho yêu cầu mới, cho sở thích công chúng. Phần còn lại của lý tưởng có vai trò duy trì nguyên tắc sáng tác, để người nghệ sĩ không bị rơi vào vòng xoáy vật chất mà xa rời cái tôi nghệ thuật vốn có.
The Artist - Thời đại không cứu rỗi, thời đại đào thải
Kết thúc phim, cô Miller - diễn viên phim nói, đại diện của thời đại điện ảnh mới đã đóng vai trò như một người cứu rỗi George. Cô kéo ông ta khỏi cái chết, vực dậy ông ta khi mọi niềm tin nghệ thuật và lòng tự trọng của một nghệ sĩ bị sụp đổ. Thế nhưng, nó chỉ là một cái kết làm giảm bớt sự bi kịch.
Nguồn ảnh: Unifrance
Trong thực tế, một số diễn viên ở giai đoạn này đã lựa chọn tự sát. Sự cứu rỗi của Miller chỉ đơn thuần là một câu chuyện tình, hoặc nghĩ xa hơn, nó là sự ám chỉ khi một người đến cảnh nghèo đói khắc khổ, không còn gì để mất, thì dù họ có từng là nghệ sĩ tuyệt vời đến đâu, họ cũng sẽ phải tạm hạ cái tôi nghệ thuật của mình xuống.
Cùng làm về thời kỳ đó, vào năm 1952, bộ phim Singing in the rain tiếp cận dưới góc độ hài hước nhưng cũng phản ánh chân thực một góc độ khác sự khắc nghiệt của nghệ thuật và thời đại. Diễn viên nữ của phim câm được yêu cầu học phát âm để đóng phim tiếng, nhưng do cô ta không thể làm tốt nên cuối cùng đã bị đuổi khỏi đoàn.
Người nghệ sĩ đã chấp nhận thay đổi, tuy nhiên, chỉ thay đổi không thôi là chưa đủ. Sự thay đổi đó bao gồm: sự thay đổi trong tư duy nghệ thuật, sự thay đổi trong kỹ thuật diễn, sự thay đổi trong định hướng học tập. Những người làm nghệ thuật không chỉ cần tinh thần sáng tạo mà còn cần thái độ cầu học - học diễn, học nói, học tư duy phân tích. Để trở thành một nghệ sĩ chân chính và theo kịp thời đại, diễn viên phải đáp ứng các yêu cầu trên.
Thời đại không cứu rỗi, thời đại đào thải. Thời đại sẽ loại bỏ những kẻ cố chấp sống trong quá khứ, không thừa nhận thực tại. Họ sẽ bị lãng quên như những mẩu báo cũ, có thể sẽ còn có người nhớ đến, nhưng không phải là số đông công chúng. Mặc dù vẫn còn bộ phận công chúng tìm kiếm sự hoài cổ, quen với cái cũ, nhưng những công chúng đó sẽ được tầng tầng lớp lớp công chúng thế hệ mới xô dạt xuống cuối tháp nhu cầu.
Thời đại đồng thời cũng loại bỏ những kẻ thiếu năng lực. Hào quang ở thời đại cũ không có nghĩa sẽ theo bạn đi tới thời đại mới. Đối với mỗi diễn viên, càng đặc biệt hơn, năng lực của họ thể hiện qua mỗi bộ phim, là sự thể nghiệm những cuộc đời khác nhau. Thể loại phim thay đổi, một tổ hợp diễn viên cũ - mới phải tìm ra cách trung hòa với nhau và không ngừng luyện tập để tạo ra hiệu quả nhập diễn cao nhất.
Nhìn chung, The Artist đã phản ánh chính xác mối quan hệ vòng tam giác giữa nghệ thuật - thương mại - kỹ thuật, đó cũng chính là ba yếu tố quan trọng mà bất cứ người nghệ sĩ, hay đạo diễn khi làm phim cần phải quan tâm. Đồng thời, bộ phim cũng đại diện cho những tuyên bố nghệ thuật mang giá trị của mọi thời đại, cho bất cứ khoảng không thời nào, rằng chuyển giao kỹ thuật mới là cần thiết. Nghệ thuật được phát triển chính là nhờ vào sự ra đời của những kỹ thuật mới, trường phái thể hiện mới đó.