Yếu tố cần thiết của một cá tính sáng tạo
Trong hành trình học vẽ, chúng ta được dạy một cách đầy đủ theo những “cuốn sách giáo khoa” về kỹ thuật vẽ. Chúng ta coi việc chép tranh như một sự khổ luyện về tay nghề, đánh giá màu sắc, pha màu và ứng dụng chất liệu.
Thế nhưng, đó chỉ là một phương pháp học tập. Trong quá trình học những tác phẩm hội họa, chúng ta tìm ra được “dấu ấn” của mình. Vậy, dấu ấn đó là gì? Dấu ấn hội họa không nhất định tồn tại ở một điểm, mà bản thân người họa sĩ có thể tạo ra những dấu ấn đa diện. Nó thể hiện ở một số góc độ chủ yếu sau:
Những cảm hứng riêng biệt
Bởi vì nhu cầu về một thế giới tương lai thuận tiện, con người không ngừng đưa ra những phát minh, sáng chế công nghệ mới, tạo ra một thế giới số. Hội họa cũng vậy, nó không ngừng nảy sinh để thỏa mãn sự thể hiện nội tâm của con người và phục vụ minh họa cho các hoạt động khác trong cuộc sống. Hội họa không phải là nghệ thuật để một chỗ chiêm ngưỡng như nhiều người vẫn lầm tưởng, nó đang dần xuất hiện trong những thiết kế bao bì, thiết kế bìa sách, thiết kế game, nội dung giáo dục,... Mỗi một sản phẩm đó đều mang dấu ấn của người họa sĩ.
Gợi ý: Những nỗi lo của người làm công việc sáng tạo
Vậy, cùng với yêu cầu về một chú thỏ, có người vẽ thỏ với những nét y như thật, có người lại vẽ một chú thỏ màu sắc ở một hành tinh khác, có người lại vẽ chú thỏ dưới hình dạng máy móc. Mỗi một cách khai thác khác nhau, chính là phát ngôn của cá nhân người họa sĩ về cảm nhận thế giới.
Cảm hứng của họa sĩ đến từ nguyên bản, những tác phẩm đưa ra chính là sự đột phá. Nhà bác học thiên tài Isaac Newton nhờ một trái táo rơi đã khám phá ra luật hấp dẫn, và ông đã không ngần ngại ghi công trái táo khi nhắc đến nguồn gốc sáng kiến của mình. Hay như trong hoạt động truyền thông trước phát sóng của bộ phim Em và Trịnh, một loạt những hashtag nhạc Trịnh được thể hiện lại bởi những giọng ca trẻ. Cùng một bài hát, nhưng đến với người hát khác, nó cũng sẽ hiện ra với một tâm tưởng khác. Chính vì thế, chúng ta cùng thừa nhận rằng mình đang “sao chép” những nguyên bản, nhưng không có nghĩa là giữ lại toàn bộ các đặc điểm của nguyên bản. Nói một cách nghệ thuật, chúng ta đang tìm cho mình một nét vẽ cuộc đời để sáng tạo ra một bức tranh lớn hơn.
Thể nghiệm trường phái và kỹ thuật vẽ
Trong địa hạt hội họa, có rất nhiều trường phái khác nhau: trường phái ấn tượng, trường phái siêu thực, trường phái Minimalism, trường phái Pop Art, trường phái Kinetic Art,... Những trường phái này đã có sự khởi xướng nhất định, việc của người họa sĩ là tìm ra trường phái phù hợp với những điều mà bản thân muốn tái hiện.
Vậy, trường phái đã có phân tích về đặc điểm chung và những kỹ thuật được dạy qua sách vở, trường lớp có phải là rào cản cá tính và định hình khuôn mẫu của người nghệ sĩ không?
Điều này hoàn toàn không đúng. Cùng xuất hiện trong trường phái ấn tượng, với những đặc điểm chung là đặc tả màu sắc, ánh sáng, xóa nhòa những hình khối, nhưng phong cách của Claude Monet và Pierre-Auguste Renoir hoàn toàn khác nhau. Những màu sắc trong các bức tranh của Claude Monet thiên về sự trong trẻo, mang đậm tố chất lãng mạn với không khí tươi mới. Có thể nói, tranh của Monet lặng yên mà rực rỡ, hòa trộn với những khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời nhất. Điển hình như các bức Woman with a Parasol – Madame Monet and Her Son (Người phụ nữ và chiếc dù - Bà Monet cùng con trai), Nymphéas (Hoa súng), Impression, soleil levant (Ấn tượng, mặt trời mọc),...
(Tác phẩm Woman with a Parasol – Madame Monet and Her Son - nguồn Pictorem.com)
Riêng với Pierre-Auguste Renoir, một danh họa khởi xướng trường phái ấn tượng cùng Claude Monet, các bức tranh của ông vẫn là thâu tóm khoảnh khắc thường ngày, tranh chân dung,... nhưng không phải kiểu lãng mạn như giấc mơ của Claude. Tranh của Pierre-Auguste Renoir chú trọng vào cường độ màu sắc, tạo ra những sự tương phản đậm nét ngay trên bức tranh. Màu sắc trong tranh của Pierre-Auguste Renoir xuất hiện một cách phóng khoáng, ngay cả khi vẽ những bức tranh chân dung phụ nữ, phần nền phía sau luôn được ông phủ lên bằng những lớp màu hòa trộn dày mỏng khác nhau, nhằm tôn lên màu sắc, độ mịn làn da và hình ảnh của người phụ nữ. Điển hình một số tác phẩm như Two Sisters, The Umbrellas, La grenouillere,...
(Tác phẩm The Umbrellas - nguồn Flickr)
Như vậy, họa sĩ hoàn toàn có thể tìm thấy cá tính riêng của mình trong một trường phái dựa trên các kỹ thuật màu sắc, đường nét, hình khối,... Kỹ thuật chính là phương tiện để họa sĩ bộc tả những cảm xúc, cảm nhận riêng nhất. Sự giận dữ hiện ra ở sắc màu nóng, sự cổ vũ hiện ra ở đường nét rõ ràng, sự hoang mang hiện ra ở những nét vẽ không ranh giới.
Phương pháp định vị cá tính trong dòng chảy hội họa
Mình phải sáng tạo như thế nào mới phù hợp?
Mình vẽ thế này có bị giống người khác không nhỉ?
Làm sao mới gọi là sáng tạo đây?
Chắc chắn khi vẽ, chúng ta đều có chung những niềm trăn trở này. Xung quanh có quá nhiều người giỏi, những bức vẽ xuất hiện liên tục và lộng lẫy trong dòng chảy hội họa. Rõ ràng chúng ta đã đứng ở trong dòng chảy, nhưng lúc nào cũng cảm thấy bản thân thật nhỏ bé. Điều đó không chỉ ở riêng mình bạn, vì những người đã từng vẽ lâu năm cũng sẽ có lúc không biết sáng tạo như thế nào để thể hiện cá tính.
Vì thế, để thực sự định vị được bản thân, bạn cần lưu ý:
Rèn luyện kiến thức và kỹ thuật hội họa
Bất cứ sự sáng tạo nào cũng khởi nguồn từ nguyên bản. Nếu bạn không có đầy đủ kỹ thuật, những ý tưởng của bạn sẽ chỉ ở trong suy nghĩ, không có cách nào thể hiện trên những trang giấy.
Xem thêm: Bí quyết giúp bạn vẽ đẹp hơn từ hôm nay
Hơn hết kỹ thuật hội họa cũng là hành trang để cho bạn sẵn sàng thể nghiệm những trường phái, những phong cách khác nhau. Đồng thời, bạn có thể tham gia vào quá trình đánh giá, chiêm nghiệm các tác phẩm nghệ thuật, tìm thấy những điểm sáng trong tác phẩm của họ. Đó là điều mà một người không có kiến thức sẽ không thể làm được.
Tri thức bao giờ cũng là yếu tố quan trọng và cần thiết để bạn đứng vững trong cuộc sống, đặc biệt trong một dòng chảy có sự biến đổi mãnh liệt và bất ngờ như hội họa. Những điều hời hợt sẽ không thể ở lại lâu, những gì sáo rỗng sẽ biến mất nhanh chóng, đó là lý do mà bạn cần trau dồi kiến thức, kỹ năng.
“Trendy” một cách nghiêm túc và khuôn khổ
Thế giới không ngừng vận động, không gian nghệ thuật không ngừng đổi mới, đòi hỏi bạn cũng cần phải tiếp nhận những sự biến động đó để áp dụng vào trong tác phẩm của mình. Mặc dù vậy, theo xu hướng không có nghĩa là chấp nhận sự “ăn liền” của tác phẩm. Để giữ được cái tôi hội họa, bạn cần phải:
- Tiếp nhận xu hướng một cách nghiêm túc: tức là bạn cần xử lý mọi thông tin như một bộ lọc, đánh giá sự phát triển của xu hướng, tiềm năng của xu hướng và những yếu tố phù hợp với bản thân.
- Tiếp nhận xu hướng một cách khuôn khổ: Khuôn khổ ở đây là những nguyên tắc quan trọng nhằm hình thành dấu ấn của bạn. Tức là, dù bắt theo xu hướng thì lối phân tích nguyên mẫu, đặc điểm nét vẽ, phong cách phối màu, xây dựng phông nền, đặc điểm những chi tiết,... đều cần giữ lại ít nhất là một đến hai yếu tố. Bởi vì, đó là tuyên ngôn của bạn, dù bạn theo đuổi trường phái nào, cũng không được loại bỏ nó hoàn toàn. Nó chính là sợi dây liên kết để người xem có thể hình dung các bức tranh của bạn theo dòng thời gian, theo dòng cảm xúc và theo sự phát triển của thời đại. Đây cũng chính là điều mà bạn có thể học ở các họa sĩ lớn.
Không ngừng tìm kiếm sự bứt phá
Arthur C. Clarke, nhà văn khoa học viễn tưởng, nhà thám hiểm người Anh đã nói rằng: “Cách duy nhất để tìm ra giới hạn của những điều có thể là vượt qua chúng để tiến vào những điều không thể”.
Bởi vậy, đừng đứng yên một chỗ, hãy cứ đi đến tận cùng giới hạn của bạn đi, bạn sẽ bước qua được những điều mà bạn nghĩ mà sẽ chẳng bao giờ làm. Đối với hội họa, đơn giản là màu sắc, nhưng cũng không đơn giản chỉ là màu sắc, bởi vì, ngoài một trang giấy, chúng ta còn có thể tạo ra màu sắc ở khắp mọi nơi, từ viên sỏi đến tấm lụa, từ hộp gỗ đến tấm nhựa trắng, và cả những sợi chỉ màu. Bạn có thể vẽ người, nhưng cũng có thể vẽ cảnh vật hoa lá, vẽ muôn vàn muông thú, thậm chí là vẽ những vật dụng nhỏ bé thường ngày. Bạn có thể vẽ một cách lộng lẫy chi tiết, cũng có thể vẽ phác họa nhanh chóng như ấn tượng. Thay vì nói “Mình không thể” thì hãy nghĩ “Mình sẽ học nó”.
Nếu bạn là một người yêu thích những bộ phim hoạt hình, muốn trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh, bạn có thể bắt đầu với Lớp học vẽ nhân vật hoạt hình cùng Họa sĩ Phan Nguyễn. Đây là khóa học cơ bản giúp các bạn làm quen với hội họa, học cách tạo hình nhân vật, là tiền đề để tiếp cận hội họa chuyên nghiệp hơn.